
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi cho biết, Dự án đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài đoạn qua TPHCM có chiều dài khoảng 24,7km đi qua địa bàn 11 xã với diện tích hơn 220ha và có 2.192 trường hợp bị ảnh hưởng trong khu vực dự kiến thu hồi.
So với ranh dự án theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì diện tích thu hồi đất để thực hiện dự án tăng thêm khoảng 37,8ha, số trường hợp bị ảnh hưởng phát sinh khoảng 339 trường hợp.
Huyện Củ Chi đã ban hành thông báo thu hồi và ghi nhận hiện trạng đất đối với 1.877 trường hợp. Tuy nhiên, khi điều chỉnh ranh dự án chỉ có 173 trường hợp không thay đổi ranh, diện tích đất thu hồi; có 1.686 trường hợp phải điều chỉnh lại thông báo thu hồi đất và điều chỉnh số liệu điều tra.
Điều này đã làm chậm tiến độ thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong dự án.

Qua rà soát, có khoảng 1.410 trường hợp phù hợp điều kiện thu hồi đất và đã hoàn tất công tác kiểm đếm. Tuy nhiên, do thay đổi ranh đất thu hồi, UBND huyện đang phải điều chỉnh thông báo thu hồi đất, chờ bản vẽ hiện trạng thu hồi đất để bổ sung công tác xác minh nguồn gốc sử dụng đất, xác nhận các biểu mẫu liên quan.
Trên cơ sở đó, huyện lập dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với 1.410 trường hợp bị ảnh hưởng dự án và các trường hợp vừa có đất ở, vừa có đất nông nghiệp đồng thuận cho thu hồi đất trước thời hạn.
Để hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đúng thời gian đề ra và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Võ Trung Trực đề nghị Trung tâm đo đạc bản đồ TPHCM khi đo đạc xong bản vẽ nào thì chuyển ngay cho Văn phòng đăng ký đất đai huyện Củ Chi, để cơ quan này xác nhận bản vẽ.
Liên quan xác nhận hồ sơ pháp lý, sau khi Văn phòng đăng ký đất đai huyện Củ Chi chuyển bản vẽ, địa phương phải chủ động trong việc xác nhận.

Việc xác nhận hồ sơ pháp lý đối với những trường hợp bị ảnh hưởng đất phải hoàn tất trước ngày 15-6, nhằm có thể phê duyệt phương án tổng thể để giải ngân trước 30-6.
“Tôi ghi nhận sự nỗ lực của 11 xã có dự án đi qua. Tôi sẽ dành thời gian xuống trực tiếp từng địa phương để cùng nhau giải quyết từng vướng mắc cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường”, Phó Giám đốc Sở TN-MT Võ Trung Trực chia sẻ.
Về bảng giá bồi thường, Phó Giám đốc Sở TN-MT Võ Trung Trực đề nghị đơn vị thẩm định giá có ý kiến sau khi lắng nghe đề xuất của 11 lãnh đạo xã. Đồng thời, đơn vị này phải tham khảo giá bồi thường tại những dự án tương tự đã thực hiện xong hoặc đang thực hiện.
"Cố gắng làm sao giá bồi thường, hỗ trợ không được thấp hơn giá các dự án đã triển khai và phù hợp với thực tế theo vị trí cụ thể", Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Võ Trung Trực nói.