Mở đầu buổi đối thoại, bà Nguyễn Thị Nga, Ủy viên chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TPHCM) cho biết, năm học 2022-2023 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các cấp, ngành, địa phương, thầy và trò giữ vững tinh thần xung kích, sẵn sàng, hân hoan chào đón năm học mới.
Tuy nhiên, ngành giáo dục vẫn đối mặt nhiều khó khăn như hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất cho Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tình hình nhân sự giảng dạy… đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho năm học mới.
Nhìn lại nỗ lực trong năm học vừa qua, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng cho rằng, thành công của năm học 2021 – 2022 đến từ sự nỗ lực, kiên trì thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của toàn ngành theo sự chỉ đạo của các cấp, ngành.
Việc các nhà trường được giao quyền tự chủ, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyên môn, đổi mới hình thức, phương pháp dạy và học, kiểm tra – đánh giá, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giúp cơ sở giáo dục thích nghi với thay đổi khi buộc phải chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến.
Đặc biệt, công tác phòng chống dịch Covid-19 luôn được tập trung thực hiện bằng nỗ lực của toàn ngành nói riêng, hệ thống chính trị nói chung với tinh thần “An toàn đến đâu mở cửa trường đến đó”.
Ở góc độ y tế, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng thông tin, hiện nay, mỗi ngày vẫn có khoảng 100 ca mắc Covid-19 trên toàn thành phố. Song song đó, trường học đối diện với nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng… đòi hỏi sự tập trung, không được lơ là trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm trong trường học.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh trong năm học mới, ngành y tế đã phối hợp ngành giáo dục tổ chức tổng vệ sinh trường lớp trước khi học sinh nhập học bằng dung dịch khử khuẩn, lau chùi các bề mặt, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, rà soát số lượng bồn rửa tay, bố trí đủ xà phòng cho học sinh.
Bên cạnh đó, nhân viên y tế tại các cơ sở giáo dục cũng được tham gia tập huấn về biện pháp phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh trong nhà trường.
Đối với công tác phòng chống dịch Covid-19, thành phố đang nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ vaccine cho cả đối tượng người lớn và học sinh. Trong đó, tỷ lệ tiêm vaccine cho học sinh từ 5 đến dưới 18 tuổi còn thấp so với trung bình cả nước.
Do đó, các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cha mẹ học sinh đưa trẻ trong độ tuổi quy định tiêm vaccine đủ liều và đúng quy định của cơ quan y tế.
“Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp với nhà trường chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh. Khi các em học tập ở nhà, phụ huynh cần hướng dẫn học sinh ngồi học đúng tư thế, không sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều, tăng cường hoạt động thể lực ngoài trời, bổ sung dinh dưỡng phù hợp lứa tuổi”, Phó Giám đốc Sở Y tế bày tỏ.
Hiện nay, hoạt động tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh được tổ chức với nhiều hình thức như tổ chức điểm tiêm tại trường, xe tiêm lưu động hoặc tham gia tiêm tại các điểm tiêm tại địa phương.
Lãnh đạo ngành y tế khẳng định, học sinh không tiêm hoặc tiêm không đủ liều vaccine Covid-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào, vẫn được đảm bảo đầy đủ quyền học tập và sinh hoạt tại trường.
Trước câu hỏi của người dân liên quan công tác chuẩn bị đầu năm học mới, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng cho biết, số lượng học sinh tăng mới hàng năm tạo ra áp lực khá lớn về xây dựng cơ sở vật chất trường học.
Trước thực tế đó, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện tiếp tục dành quỹ đất xây dựng trường lớp, vận động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng trường lớp, đáp ứng nhu cầu về chỗ học cho người dân.
Để năm học 2022 – 2023 hoàn thành mục tiêu và nhiệm vụ đề ra, Ủy viên chuyên trách Ban Văn hóa – Xã hội (HĐND TPHCM) Nguyễn Thị Nga kiến nghị ngành giáo dục tiếp tục tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TPHCM ban hành quy định về mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông năm học 2022-2023 và các năm học tiếp theo cũng như các chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông (công lập và ngoài công lập) và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn TPHCM trong năm học 2022 – 2023.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần nghiên cứu, đánh giá, đề xuất các chính sách đặc thù nhằm thu hút, giữ chân, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên yên tâm công tác, đồng thời quan tâm, hỗ trợ học sinh diện chính sách, học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh mồ côi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không để các em vì khó khăn mà không được đến trường.
Vào thời điểm đầu năm học mới, ngành giáo dục phối hợp các địa phương kiểm tra chặt chẽ, kịp thời nắm bắt dư luận xã hội về hoạt động dạy và học tại các trường, không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, quan tâm vấn đề đạo đức học đường, phát huy tốt vai trò tổ tư vấn tâm lý trong nhà trường…