Các đoàn công tác sẽ giám sát tiêm chủng tại một số điểm tiêm thuộc quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh trong bối cảnh số ca sởi hiện tập trung tại khu vực vùng ven.
Từ 8 giờ sáng, nhiều phụ huynh trên địa bàn phường An Lạc, quận Bình Tân đã có mặt tại trạm y tế. Theo dõi thông tin về dịch sởi trên báo chí, bà Trần Thị Tuyết Mai (71 tuổi) không khỏi lo lắng vì cháu nội (Lý Khả Hân, 4 tuổi) sắp đi học lại nhưng vẫn thiếu một mũi vaccine. Cha mẹ của bé Khả Hân bận đi làm, không thu xếp được công việc nên bà trực tiếp đưa cháu đi tiêm.
“Các cháu của tôi đều tiêm ngừa tại Trạm Y tế phường An Lạc, vaccine nào thuộc nhóm dịch vụ mới tiêm bên ngoài. Trẻ mắc bệnh sởi thì tội nghiệp lắm nên tôi cố gắng đưa cháu đến từ sớm ”, bà Mai nói.
Bé Dương Thanh Ngọc (5 tuổi) được cha là anh Dương Trực Quang (44 tuổi) đưa đi tiêm theo thông báo của nhân viên y tế. Anh Dương Trực Quang cho biết, trong đợt dịch Covid-19, lịch tiêm phòng của bé bị hoãn nhiều lần nên đến nay vẫn thiếu một mũi vaccine sởi. Sau khi nhận tin nhắn của Trạm Y tế phường An Lạc, anh tranh thủ đưa con đến để bổ sung miễn dịch phòng bệnh.
Trong khi đó, nhiều trẻ đã tiêm chủng đầy đủ nhưng cha mẹ cũng không chủ quan, như trường hợp của anh Lê Thanh Luân (40 tuổi). Nhân viên y tế rà soát sổ tiêm chủng và nhận thấy con của anh đã tiêm đầy đủ, bao gồm vaccine sởi.
“Trước đây, cứ đến ngày tiêm ở Trạm Y tế thì tôi lại bận nên thường cho con tiêm dịch vụ. Bác sĩ nói con tiêm đủ và đúng lịch nên tôi bớt căng thẳng hơn. Năm học mới đến rồi nên sợ các con lây bệnh”, anh Luân nói.
Theo bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, ngay khi ghi nhận ca bệnh sởi trên địa bàn vào tháng 6, quận đã quyết liệt tổ chức tiêm bù, tiêm vét khoảng 2.000 liều. Hiện tại, còn khoảng gần 3.000 trẻ thiếu mũi vaccine sởi. Sáng nay, 10 trạm y tế trên địa bàn quận Bình Tân đồng loạt triển khai tiêm chiến dịch. Dự kiến, mỗi buổi sẽ có 30-60 trẻ được tiêm ngừa ở mỗi điểm.
“Quận Bình Tân sẽ tiếp tục rà soát tất cả trẻ cư trú trên địa bàn, kể cả trẻ vừa theo cha mẹ đến sinh sống, lập danh sách và mời tiêm chủng, tránh tình trạng bỏ sót”, bà Lê Thị Ngọc Dung chia sẻ.
Tham gia cùng đoàn giám sát, BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM cho biết, an toàn tiêm chủng là điều quan trọng nhất. Mỗi điểm tiêm có 3 lực lượng xử trí nếu xảy ra phản ứng sau tiêm, bao gồm: đội tiêm, ê-kíp và xe cấp cứu tại điểm tiêm, bệnh viện gần nhất. Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM đã phân công lực lượng trực tổng đài để tiếp nhận thông tin, 1 ê-kíp cấp cứu ngoại viện sẵn sàng chi viện khi có tình huống nguy cấp.
Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, 2 nhiệm vụ quan trọng trong phòng chống dịch sởi của TPHCM là tăng miễn dịch trong cộng đồng đảm bảo đạt trên 95% và bảo vệ trẻ nguy cơ (bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch...). Việc đảm bảo miễn dịch cộng đồng sẽ tạo thành "bức tường chắn" quan trọng, bảo vệ được những trẻ thuộc nhóm nguy cơ chưa được tiêm chủng vì các lý do khách quan. Đây là đối tượng sẽ gặp biến chứng nghiêm trọng nếu mắc bệnh sởi.
Để triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi, các quận, huyện và TP Thủ Đức đã lập danh sách tất cả trẻ trên địa bàn (thường trú và tạm trú), nếu chưa tiêm đủ mũi sẽ được tiêm ngay. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đã đặt mua và tiếp nhận 300.000 liều vaccine, phân bổ 88.1000 liều cho các Trung tâm Y tế quận huyện tổ chức tiêm ngừa trong sáng nay.
>> Một số hình ảnh ghi nhận trong ngày đầu tiên tiêm chủng chiến dịch:
Quận Tân Phú trên 200 trẻ được tiêm vaccine sởi an toàn
Sáng 31-8, quận Tân Phú, TPHCM bước vào cao điểm tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi. Tất cả an toàn, không có trường hợp trẻ biến chứng nặng sau tiêm chủng.
8 giờ sáng 31-8, tại trạm y tế phường Tây Thạnh (Tân Phú) có hàng chục phụ huynh đưa trẻ đến tiêm vaccine sởi, chị Nguyễn Thị Loan, ngụ khu phố 1 dù có đôi chút lo lắng nhưng sau khi được nhân viên y tế tư vấn về tác dụng của vaccine trong phòng chống bệnh sởi cho trẻ yên tâm cho con tiêm chủng. Chị chia sẻ: “Qua thông tin đại chúng và lực lượng cộng tác viên y tế cộng đồng đến tận nhà tư vấn… nói thực tôi vẫn rất băn khoăn. Lo nhất là vaccine sởi có tác dụng phụ, ảnh hưởng tới sức khoẻ của con sau này hay không? Qua sự tư vấn kỹ của đội ngũ y bác sĩ trạm y tế phường, tôi như trút được gánh lo và yên tâm cho con tiêm chủng để phòng chống dịch”.
Trao đổi cùng hàng chục phụ huynh khác, ai cũng có tâm lý lo lắng, nhất là khi thấy dịch sởi trên địa bàn TPHCM có dấu hiệu gia tăng và thành phố đã ghi nhận 1 ca tử vong. “Tôi không quá lo về tác dụng phụ của vaccine đối với con cháu mình, khi nhận được giấy mời của trạm y tế phường trong sáng nay đưa trẻ đến tiêm chủng là đi ngay. Được tiêm vaccine sởi mới an tâm cho con cháu nghỉ lễ”, ông Cao Hoàng Phát nói.
Phấn khởi vì người dân chủ động đưa con em đến tiêm chủng đúng thời gian mời, Cử nhân Nhữ Văn Huy, Trưởng trạm y tế phường Tây Thạnh cho biết, trên địa bàn phường có 3.460 trẻ trong độ tuổi 1-5, trong đó trên 98,36% trẻ đã được tiêm ngừa đủ 2 mũi vaccine sởi và 294 trẻ chưa tiêm đủ 2 mũi. Qua công tác vận động có 49% phụ huynh của số trẻ này đồng ý cho con tới tiêm chủng. Trạm tiếp tục phối hợp cùng các đoàn thể của phường, vận động số phụ huynh chưa đồng thuận nhằm đảm bảo 100% trẻ được tiêm chủng từ nay tới 4-9.
Còn BS Phạm Vân Thảo, Phó trưởng trạm y tế phường Tân Thành cho hay, địa bàn phường có 205 trẻ từ 1-5 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi, trong đó 69 trẻ chưa tiêm mũi nào. Trong sáng này trạm tổ chức tiêm chủng cho 30 trẻ. Đến 11 giờ đạt tỷ lệ 100% trẻ được tiêm chủng, không có trường hợp nào gặp biến chứng sau tiêm.
Tại trạm y tế phường Tân Thới Hòa, có 170 trẻ từ 1-5 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi (72 trẻ chưa tiêm mũi nào). “Chúng tôi rất phấn khởi khi ngay trong buổi sáng nay có 25 trẻ được cha mẹ đưa đến tiêm chủng. Bên cạnh đó, có hàng chục trẻ đã tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi cũng được người nhà đưa đến trạm để xin tiêm chủng thêm cho trẻ”, BS Kiều Hồng Thúy, trưởng trạm kể.
Theo BS-CKII Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm y tế quận Tân Phú, địa bàn có 2.942/36.000 trẻ từ 1-5 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi, trong đó 1.087 trẻ chưa tiêm mũi nào. Trong đợt cao điểm tiêm vaccine sởi này, quận được cấp 2.000 liều. Để đảm bảo công tác tiêm chủng cho trẻ được an toàn và 100% trẻ được tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi, trung tâm ngoài việc phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận còn thành lập 5 đội tiêm cơ động, gồm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng hỗ trợ 11 trạm y tế trên địa bàn quận. Bệnh viện quận Tân Phú cũng bố trí 1 xe cứu thương lưu động, vật tư y tế, thuốc… đầy đủ hỗ trợ công tác tiêm chủng. Đến trưa nay, thông tin từ các trạm y tế báo về cho thấy 100% trẻ (211 trẻ) được mời tới tiêm chủng trong ngày đầu tiên đều được tiêm chủng an toàn, không có trường hợp trẻ gặp biến chứng nặng sau tiêm.
BS-CKII Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đánh giá, công tác chuẩn bị trang thiết bị vật tư y tế đầy đủ, vaccine sởi được bảo quản đúng kỹ thuật… Công tác tiếp đón, tư vấn thăm khám, tổ chức bàn tiêm, phòng đợi sau tiêm chủng tại các trạm y tế trên địa bàn quận Tân Phú chu đáo, tận tình, an toàn cho trẻ sau tiêm đã tạo sự an tâm, hài lòng của người dân.
Qua công tác giám sát buổi tiêm chủng sáng nay, HCDC ghi nhận sự nỗ lực của các cấp chính quyền quận Tân Phú đã quan tâm hỗ trợ; đội ngũ cộng tác viên sức khỏe cộng đồng tham gia tích cực cho chiến dịch, bước đầu đạt kết quả theo kế hoạch đề ra.
BS-CKII Nguyễn Hồng Tâm đồng thời cho biết, để phòng chống dịch sởi, TPHCM đã chủ động đặt mua 300.000 liều vaccine sởi trong đợt này và cấp phát ngay cho 21 quận huyện, TP Thủ Đức số vaccine theo nhu cầu ngay khi vừa về đến thành phố trong ngày 30-8. Trong chiến dịch này, HCDC sẽ bảo đảm việc cung ứng vaccine sởi đầy đủ cho địa phương nhằm đảm bảo 100% trẻ từ 1-5 tuổi chưa tiêm đủ mũi trên địa bàn thành phố đều được tiêm chủng đầy đủ, kể cả trẻ tạm trú trên địa bàn.
QUANG HUY