Tăng các hiện tượng mưa cực đoan
Kết quả nghiên cứu của Nhóm nghiên cứu môi trường nước và biến đổi khí hậu (WACLIM), Trường Đại học (ĐH) Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) cho thấy, thời gian qua, TP thường xuất hiện những trận mưa lớn với cường độ cao. Lượng mưa trung bình ở TPHCM khoảng 1.700mm/năm và phân bố theo xu hướng giảm dần từ Đông Bắc sang Tây Nam. Lượng mưa tại TPHCM dưới ảnh hưởng của BĐKH có xu hướng tăng trong giai đoạn 1980-2017 và sự gia tăng lượng mưa sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai với gia tăng dự đoán khoảng 5-13%.
Đối với các yếu tố cực đoan của lượng mưa, cường độ mưa ngày lớn nhất dao động từ khoảng 72mm tại trạm Cần Giờ đến 112mm tại trạm Cát Lái, khu vực trung tâm TP xuất hiện nhiều trận mưa lớn trên 100mm/ngày trong khi khu vực Tây Bắc và Đông Nam xuất hiện mưa với cường độ thấp hơn (khoảng 80-90 mm/ngày). Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tần suất và cường độ các trận mưa lớn có xu hướng tăng trên toàn địa bàn TP và tăng cao ở khu vực trung tâm.
Theo PGS.TS Đào Nguyên Khôi, Phó Trưởng khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), sự gia tăng này lý giải bằng sự dịch chuyển của các cơn bão nhiệt đới về phía Nam dẫn đến những năm gần đây TP bị ảnh hưởng nhiều bởi các cơn bão. Bên cạnh đó, sự gia tăng này có mối tương quan với các tác động của ENSO (hiện tượng El Nino và La Nina).
Dưới ảnh hưởng của BĐKH, các trận mưa với cường độ cao được dự đoán sẽ xảy ra nhiều hơn trong tương lai và tập trung nhiều ở khu vực trung tâm và phía Nam TP. TPHCM là một TP lớn, có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất cả nước. Tuy nhiên, khi quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa diễn ra quá nhanh, TP chưa có những giải pháp đồng bộ trong quy hoạch và quản lý cơ sở hạ tầng đô thị kết hợp.
Mặt khác, TPHCM nằm ở hạ lưu sông Đồng Nai, điều kiện địa hình bằng phẳng với gần 75% diện tích có cao độ thấp hơn 2m nên chịu nhiều tác động trực tiếp bởi dòng chảy từ thượng lưu các con sông; ảnh hưởng của triều cường và những trận mưa cực đoan với lưu lượng lớn đã làm TP thường xuyên bị ngập úng. Trong những năm gần đây, TP có xu hướng ngày càng gia tăng về số điểm ngập, độ sâu cũng như thời gian ngập. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là xu hướng xuất hiện sự kiện mưa cực đoan ngày càng gia tăng.
Cần một kế hoạch tổng thể
PGS.TS Đào Nguyên Khôi cho biết thêm, thời gian qua tại TPHCM, lượng mưa và phân bố mưa thay đổi, cùng sự gia tăng về tần suất, mức độ và quy mô các hiện tượng khí hậu thời tiết cực đoan. Khi lượng mưa và phân bố mưa thay đổi có thể gây lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô, tăng mâu thuẫn trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước; càng ảnh hưởng đến vấn đề an ninh nguồn nước trong bối cảnh nguồn tài nguyên nước đang chịu nhiều áp lực từ các hoạt động phát triển ở thượng nguồn và tình trạng ô nhiễm, suy thoái ở nhiều nơi do tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.
“Chúng ta cần một kế hoạch dài hơi trong việc thích ứng với BĐKH. Do đó, TP cần xem xét sự thay đổi các yếu tố khí hậu cực đoan này trong kế hoạch thích ứng BĐKH và quy hoạch cơ sở hạ tầng TP, đặc biệt đối với bài toán thoát nước đô thị và quản lý rủi ro ngập lụt”, PGS.TS Đào Nguyên Khôi nhận định.
Nghiên cứu yếu tố mưa cực đoan tại TPHCM, TS. Nguyễn Văn Hồng, Phó Phân viện trưởng, Phân viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, cũng cho biết, những năm gần đây tình hình BĐKH diễn ra ngày càng rõ rệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội ở TPHCM.
Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột, nhất là nhiệt độ tăng, từ đó xuất hiện các trận mưa cực đoan liên tục khoảng 5 năm trở lại đây với cường độ mưa lớn đã gây ngập cho TP, thiệt hại về kinh tế - xã hội như tài sản của người dân, hạ tầng giao thông ước tính lên đến hàng tỷ đồng. Điển hình là trận mưa ngày 26-9-2016 tại trạm Mạc Đĩnh Chi (204,3mm), Thanh Đa (172,2mm), Cầu Bông (133,3mm) đã gây ngập cục bộ cả một khu vực lớn ở trung tâm TP.
Mưa cực đoan, ngập úng là tác động rõ ràng nhất của BĐKH, ảnh hưởng nặng nề đến TP. Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tại TPHCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải được triển khai đồng bộ hơn, đồng thời cần phát huy tính chủ động của các sở ngành, quận huyện.