TPHCM: Gần 2.000 điểm bán thực phẩm thiết yếu với 866 lượt xe lưu động

Ngày 22-7, Sở Công thương TPHCM cho biết, trong 3 ngày qua, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM đã tích cực hưởng ứng Chương trình DN đồng hành cùng người dân TPHCM do sở kêu gọi các DN thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau cùng tham gia kết nối, hình thành chuỗi cung ứng bổ trợ, góp phần thực hiện giải pháp phân phối hàng hóa thực phẩm thiết yếu bình ổn đến người tiêu dùng. 

Bắt đầu triển khai từ ngày 20-7, đến chiều ngày 22-7, đã có hơn 1.000 cửa hàng tạp hóa liên kết VinShop phân bổ khắp TPHCM bán thêm lương thực, thực phẩm để phục vụ nhu cầu của người dân. VinShop kỳ vọng hơn 1.000 điểm bán này sẽ cung ứng ra thị trường 100 tấn lương thực, thực phẩm mỗi ngày.

Theo ông Võ Duy Phú, Giám đốc tăng trưởng và marketing của One Mount Distribution (sở hữu nền tảng Vinshop và VinID), chương trình phi lợi nhuận này là hành động thiết thực mà VinShop đã triển khai thần tốc chỉ sau 5 ngày nhận được lời kêu gọi từ Sở Công thương TPHCM, trong bối cảnh nguồn cung hàng hóa đang bị đứt gãy do nhiều chợ truyền thống và chợ đầu mối tạm đóng cửa để thực hiện công tác phòng chống dịch.

Trong thời gian tới, người dân có thể đồng thời sử dụng ứng dụng di động VinID để đặt mua online các mặt hàng nhu yếu phẩm tại hơn 1.000 cửa hàng tạp hóa VinShop và các siêu thị VinMart gần nơi ở nhất, mà không cần phải ra khỏi nhà. Khách hàng có thể tham khảo danh sách các tạp hóa liên kết VinShop đang cung cấp nhu yếu phẩm tại website: https://vinshop.vn/nhu-yeu-pham hoặc sử dụng ứng dụng di động VinID đi chợ online dễ dàng tại các siêu thị VinMart và tạp hóa liên kết VinShop.

Song song với cửa hàng tạp hóa, DN cũng tích cực tổ chức các điểm bán hàng lưu động nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân. Cụ thể, trong ngày 22-7, đã tổ chức được 77 điểm bán và 87 lượt xe bán hàng lưu động phân bổ trên địa bàn các quận, huyện với tổng lượng hàng hóa trong ngày gồm 19 tấn thực phẩm các loại (rau củ quả, thịt, đồ khô…) và 14.000 quả trứng.

Lũy kế từ ngày 11-7 đến ngày 22-7 (tức sau 12 ngày triển khai bán lưu động), TPHCM đã tổ chức được 798 điểm bán với 866 lượt xe bán hàng lưu động phân bổ trên toàn địa bàn thành phố với 415 tấn thực phẩm các loại, gần 130.000 quả trứng. Trong đó, Sở Công thương tổ chức 260 điểm bán với 348 lượt xe theo đề xuất điểm đăng ký của các quận, huyện, với 109 tấn hàng hóa và gần 120.000 quả trứng; Viettel Post tổ chức 340 điểm bán với 340 lượt xe, hàng hóa là 256 tấn; VN Post tổ chức 198 điểm bán với 198 lượt xe, hàng hóa là 50 tấn và 10.000 quả trứng.

Theo Sở Công thương, tính đến chiều 22-7, TPHCM chỉ còn 32 chợ truyền thống đang hoạt động. Có 205/237 chợ tạm ngưng hoạt động do liên quan đến các ca mắc, ca nghi mắc Covid-19 hoặc không đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch. Các địa phương hiện đã đóng toàn bộ các chợ trên địa bàn gồm TP Thủ Đức, quận 1, 3, 4, 6, 7, 8, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, huyện Nhà Bè.

Một số chợ sau khi tạm ngưng để thực hiện các công tác phòng chống dịch (khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết…) đã khôi phục hoạt động, như chợ An Đông - khu vực kinh doanh thực phẩm tại số 96 Hùng Vương, chợ Bình Thới, chợ Phú Thọ, chợ Kiến Thành, chợ Tân Đoàn Việt, chợ Bà Lát, chợ tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A, chợ Qui Đức, chợ Hóc Môn. Riêng chợ Nguyễn Tri Phương lại tiếp tục ngưng hoạt động (dù mới đưa vào hoạt động trở lại) do phát hiện các ca mắc Covid-19. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong ngày 22-7, hàng hóa được bày bán tại các siêu thị và điểm bán trên địa bàn TP khá dồi dào, phong phú, giá ổn định. Tại nhiều điểm bán đã không còn tình trạng dòng người xếp hàng để chờ mua hàng như những ngày trước đó.

Hiện Sở Công thương tiếp tục điều phối để DN tham gia đưa hàng bình ổn, hàng thực phẩm tươi sống vào bán tại các bưu cục, nhà thuốc, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, bán lưu động nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân TPHCM.  

* Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ nay đến hết tháng 7-2021, tỉnh Lâm Đồng sẽ tăng sản lượng rau củ khoảng 2.560 tấn/ngày (cao hơn so với mức bình quân 6.000 tấn/ngày) để cung ứng cho sự thiếu hụt của TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, đơn vị đã chủ động phối hợp Sở Công Thương TPHCM hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển rau củ cập nhật thông tin để tạo luồng xanh cho 120 phương tiện vận chuyển rau củ về TPHCM nhanh, kịp thời.

Nguồn cung cấp nông sản chủ yếu từ huyện Đức Trọng, Đơn Dương và TP Đà Lạt. Nguồn rau dồi dào nên nhiều ngày qua các nhóm thiện nguyện cũng tích cực thu hoạch gửi về vùng dịch TPHCM, Bình Dương, Phú Yên… với số lượng gần 100 tấn mỗi ngày.

Tin cùng chuyên mục