Theo đó, Chính phủ giao UBND TP ban hành hệ số điều chỉnh giá đất vào đầu kỳ hàng năm để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để lấy ý kiến người dân có đất thu hồi. Tuy nhiên, UBND TPHCM sẽ quyết định giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm nhà nước quyết định thu hồi đất theo quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật Đất đai 2013.
UBND TPHCM có trách nhiệm ban hành quy chế phối hợp thực hiện trong việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng trên địa bàn TP, đảm bảo công khai, minh bạch nhằm rút ngắn thời gian thực hiện.
Trước đó, ngoài kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho thành phố cơ chế, quy trình “đặc thù” để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn chưa có trong quy định của pháp luật và không thuộc thẩm quyền của thành phố; UBND TPHCM còn kiến nghị với Chính phủ về việc cho phép thành lập trung tâm phát triển quỹ đất quận huyện trên cơ sở ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận, huyện.
Cơ quan này sẽ góp phần giảm đáng kể thời gian, nhân lực khi TP được chủ động ban hành hệ số K làm cơ sở lấy ý kiến người dân và ban hành quyết định thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Bên cạnh đó, UBND các quận huyện được ủy quyền cân đối mặt bằng giá bồi thường, được phê duyệt hệ số K đối với các dự án nhóm C. Hàng năm, TP có hàng trăm dự án mới, tương ứng số hồ sơ cần thẩm định giá đất để bồi thường, giải tỏa rất lớn. Nếu chỉ có một cửa duy nhất để thực hiện là Sở TN-MT sẽ dẫn đến quá tải, khiến thời gian giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa kéo dài. Có cơ chế đặc thù này, ước tính sẽ rút ngắn quy trình bồi thường - giải tỏa - tái định cư xuống rất nhiều.