Chỉ đóng góp 0,8% vào GRDP
Theo thống kê của Sở TN-MT TPHCM, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân ở các quận, huyện của thành phố rất lớn (lên hơn 1.000ha) và chưa dừng lại trong những năm tới. Cả thành phố hiện chỉ còn huyện Củ Chi trồng lúa và một diện tích nhỏ ở các huyện Hóc Môn, Bình Chánh. Ở huyện Hóc Môn, với tốc độ phát triển đô thị hiện nay, diện tích đất trồng lúa cũng giảm rất nhiều.
Một số chuyên gia nông nghiệp nhận định, nông dân TPHCM bỏ ruộng, thậm chí để hoang đất lúa là tất yếu, bởi nếu như các địa phương khác đạt năng suất 5-6 tấn lúa/ha, thì tại TPHCM chỉ được hơn 3 tấn lúa/ha. Nhiều tỉnh hình thành cánh đồng lớn đã dùng đến máy bay không người lái để phun thuốc, trong khi nông dân ở thành phố thì phải dùng thủ công, do ruộng lúa nhỏ, manh mún.
Theo tính toán, hiện thu nhập của nông dân còn trồng lúa ở thành phố chỉ ở mức 20-30 triệu đồng/ha, trong khi một số tỉnh nhỏ ở khu vực Tây Nam bộ thu nhập gấp vài lần. Những năm qua, đóng góp của ngành nông nghiệp vào GRDP của TPHCM chỉ đạt 0,8%, trong khi đó đất cho công nghiệp, dịch vụ chỉ chiếm 8% diện tích, nhưng đóng góp đến 99% GRDP.
Sản xuất lúa ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Một nghịch lý khác là trong khi đất nông nghiệp ở ngoại thành đang bị hoang hóa, thì quỹ đất công nghiệp lại rất khó mở rộng, khiến thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) của TPHCM ngày càng thụt lùi so với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo Ban Quản lý các KCX và KCN TPHCM (Hepza), sau hơn 30 năm phát triển, đến nay thành phố có 3 KCX và 14 KCN đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích 3.811,71ha, giải quyết việc làm cho hơn 280.000 lao động.
Hiện tại, các KCX, KCN của thành phố chỉ còn khoảng 300ha đất có thể cho thuê, khai thác. Trong khi đó, các tỉnh lân cận như Bình Dương có 18.000ha, Tây Ninh có 11.000ha đất công nghiệp. Quỹ đất công nghiệp ngày càng hạn hẹp đã làm giảm sự cạnh tranh thu hút đầu tư của thành phố với các tỉnh xung quanh.
Tạo điều kiện để tăng tốc
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), những năm qua, các chủ đầu tư xin thuê đất làm dự án nhưng nhiều năm không thực hiện, để treo đó. Trong khi người dân tại các khu vực này không thể thực hiện các thủ tục như tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, sửa chữa nhà…, vì vướng quy hoạch, khiến cuộc sống vô cùng khó khăn. Vừa qua, UBND huyện Nhà Bè điều chỉnh 83ha đất quy hoạch thành đất dân cư, là thông tin vui mừng cho gần 1.000 hộ dân tại đây.
Ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho hay, do yêu cầu phát triển và tốc độ đô thị hóa cao, địa phương rất cần chuyển đất nông nghiệp sang các loại đất khác để bố trí cho nhu cầu nhà ở, dự án, phát triển thương mại, hạ tầng, công nghiệp công nghệ cao… Quốc hội ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 sẽ là bước đột phá cho huyện Nhà Bè.
Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ, nghị quyết lần này Quốc hội đã cho TPHCM hưởng cơ chế thí điểm, tạo điều kiện phát triển kinh tế. Nghị quyết mới cho thành phố quyết dưới 500ha đất lúa, đây là bước tạo điều kiện thuận lợi về trình tự thủ tục, rút ngắn thời gian.
Trước đây, nếu theo trình tự mà trình Thủ tướng, thì thời gian có thể kéo dài từ 1-2 năm, thì bây giờ trong nội dung này sẽ giảm xuống còn 6 tháng để thực hiện các bước thủ tục, làm điều kiện cho công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai của thành phố theo đúng cơ cấu, định hướng, góp phần tinh giảm thủ tục cho nhà đầu tư, kích thích kinh tế phát triển.
TPHCM là đô thị lớn, đông dân, tập trung nhiều KCN, KCX và các công trình công cộng lớn; việc chuyển đất nông nghiệp cho các nhu cầu phát triển đô thị, hạ tầng cơ sở, khu dân cư, công trình công cộng, khu cụm công nghiệp… là nhu cầu thực tế trong quá trình phát triển.
Về việc chuyển đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, thành phố nên chọn những vùng đất có năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao; hạn chế tối đa việc chuyển đất sản xuất nông nghiệp tập trung, có hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh sang các mục đích sử dụng khác.
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM,TPHCM hiện còn khoảng trên 50% diện tích là đất nông nghiệp, với 88.000ha, phần lớn nằm ở các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh và TP Thủ Đức.
Vấn đề này thu hút nhiều ý kiến của các chuyên gia về quy hoạch và phát triển đô thị. Do đó thành phố cần tìm hiểu về nhiều mặt có liên quan trực tiếp như quy hoạch đô thị, kinh tế, xã hội, môi trường, cảnh quan… để tìm lời giải cho bài toán chuyển đổi đất nông nghiệp đạt hiệu quả tốt nhất.