Đến tham dự vòng chung kết cuộc thi có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cùng đại diện các phòng, ban thuộc Sở GD-ĐT TPHCM.
Phát biểu tại cuộc thi, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, các hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo luôn được TPHCM nói chung, ngành giáo dục và đào tạo nói riêng quan tâm chú trọng.
Trong đó, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các trường phổ thông góp phần đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu trao đổi với học sinh tại vòng chung kết |
“Tham gia cuộc thi, học sinh bước đầu làm quen với nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống thực tiễn, đồng thời có cơ hội tiếp cận sự gắn kết giữa trường học với doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các trường đại học, phát triển các sản phẩm mang lại lợi ích cho xã hội”, ông Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ.
Năm nay, 52 dự án lọt vào vòng chung kết không chỉ tập trung lĩnh vực khoa học tự nhiên, ứng dụng công nghệ mà còn hướng đến các sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật, giải quyết các vấn đề xã hội gần gũi với lứa tuổi và gắn với thực tế xã hội như vấn đề xung đột tâm lý giữa cha mẹ và con cái...
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, cuộc thi năm nay nhận được 1.226 dự án từ 131 đơn vị, trong đó có 82 trường cấp THPT, 49 trường THCS và 2 trung tâm giáo dục thường xuyên, tăng 339 dự án so với năm học 2021 – 2022. Về quy mô học sinh, cuộc thi thu hút hơn 2.200 học sinh tham gia, trong đó có 1.305 học sinh THPT và 920 học sinh THCS.
Qua vòng sơ loại, 52 dự án lọt vào vòng chung kết, trong đó 49 dự án của khối THPT và 3 dự án của học sinh THCS.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nghe học sinh giới thiệu các dự án nghiên cứu |
Tại vòng chung kết, các thí sinh trình bày đề tài nghiên cứu, trả lời các câu hỏi của ban giám khảo. Các thành viên giám khảo chấm độc lập để chọn ra 4 dự án trong số 52 dự án vào chung kết để tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Cuộc thi năm nay có nhiều điểm mới trong công tác tổ chức như vòng sơ khảo áp dụng các giải pháp sử dụng phần mềm “chống đạo văn”. Ngoài ra, năm nay cuộc thi cũng đòi hỏi sự đảm bảo của ban giám hiệu nhà trường về dự án dự thi của học sinh, xác minh tính trung thực qua việc trao đổi trực tiếp với giáo viên hướng dẫn và học sinh.
Ở vòng chung kết cấp thành phố, nội dung phỏng vấn của ban giám khảo với học sinh được chú trọng, các câu hỏi của ban giám khảo sẽ giúp học sinh thể hiện được rõ nét năng lực của bản thân.
Năm nay, gần 50% số lượng đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi, thể hiện sự quan tâm rất lớn của thế hệ trẻ với các vấn đề tâm lý lứa tuổi, hành vi trong cuộc sống đô thị hiện nay, qua đó giúp tạo một nguồn dữ liệu đáng kể cho các ngành giáo dục, văn hóa xã hội, thông tin truyền thông… có thêm thông tin về thực tế giới trẻ nhằm có những định hướng kịp thời trong tương lai.