Báo cáo tại buổi giám sát, Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà cho biết, từ khi chính thức thực hiện chính quyền đô thị (từ 1-7-2021), UBND quận không còn là cấp ngân sách, mà trở thành đơn vị dự toán ngân sách, không còn nguồn kết dư, chi khác, dự phòng và tăng thu ngân sách (nếu có). Điều này đã giảm tính chủ động trong điều hành quản lý ngân sách của cấp quận phường, tăng áp lực rất lớn lên Sở Tài chính và UBND, HĐND TPHCM. Đến nay, các bộ - ngành cũng chưa có hướng dẫn cụ thể đối với lĩnh vực tài chính - ngân sách khi thực hiện chính quyền đô thị.
Báo cáo cụ thể, Sở Tài chính cho biết, khi phát sinh nhiệm vụ khẩn cấp mà chưa được bố trí dự toán, UBND quận, phường thuộc quận phải đề xuất UBND, HĐND TPHCM xem xét, giải quyết.
Trong khi các quận, phường gặp khó, thì Sở Tài chính phải gánh vác một lượng công việc khổng lồ, như nhập phân bổ, bổ sung, điều chỉnh dự toán ngân sách với hơn 1.400 đơn vị sử dụng ngân sách thuộc UBND 16 quận. Đồng thời, sở cũng phải tham mưu giải quyết những vướng mắc của UBND 16 quận như bổ sung kinh phí không thường xuyên chưa được giao dự toán, điều chỉnh tăng giảm dự toán giữa các lĩnh vực… Từ đó, sở gặp nhiều áp lực và không thể đảm bảo thời gian thực hiện nhiệm vụ.
Tương tự, Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, với khó khăn về ngân sách như trên, các quận không thể chủ động bố trí vốn được cho các dự án. Sở đã rà lại nhu cầu đầu tư của các quận, thì tổng nhu cầu hiện nay khoảng hơn 1.600 tỷ đồng, trong đó các dự án chuyển tiếp là gần 1.000 tỷ đồng.Đề xuất cơ chế tài chính đặc thù
Tại buổi giám sát, các đại biểu HĐND TPHCM đặt vấn đề, trước khó khăn của các quận, phường về tài chính ngân sách, đầu tư công như vậy, Sở Tài chính, Sở KH-ĐT có giải pháp gì để giải quyết trước mắt cho các quận, phường?
Trao đổi lại, Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà cho biết đây là những khó khăn đã được lường trước khi TPHCM đề xuất mô hình chính quyền đô thị. Điểm vướng mắc ở đây là Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã thay đổi so với thời điểm TPHCM thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Theo quy định hiện hành, quận không còn tổ chức HĐND sẽ không còn là cấp ngân sách.
Để sửa luật, hoặc chờ sơ kết Nghị quyết 131 thì sẽ mất nhiều thời gian. Do đó, TPHCM đã đưa các nội dung này vào khi xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cũng cho biết, các dự án đầu tư công các quận đang gặp khó khăn, triển khai dở chừng, rất lãng phí phần đã đầu tư. Qua nghiên cứu Nghị quyết 131, sở nhận thấy có một số nội dung mà UBND TPHCM có thể ủy quyền cho quận quyết định và thực hiện dự án. “Sở sẽ cùng các đơn vị tìm quy trình nhanh nhất gỡ nút thắt này”, bà Lê Thị Huỳnh Mai nói.
Theo quy định thì nguồn này được chi cho 3 loại là đầu tư hạ tầng, chi cho ngân sách cấp dưới, chi cho chương trình trọng điểm của thành phố. Trong lúc chờ quyết toán ngân sách kết dư của các quận huyện, Sở KH-ĐT đề xuất sử dụng khoản thu này để thực hiện các dự án chuyển tiếp, với tổng vốn khoảng gần 1.000 tỷ đồng.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng yêu cầu các đơn vị tập huấn nghiệp vụ ở cơ sở, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư phải đảm bảo các quy trình. Việc này sẽ tạo thuận lợi khi tới đây các dự án được cấp vốn để thực hiện.
“Nếu như trước đây lúc “kẹt” thì còn có HĐND quận để gỡ, nhưng nay phải lên tới HĐND TPHCM thì quy trình sẽ dài hơn. Do vậy các dự án phải làm chặt chẽ, bài bản hơn. Các sở cần hướng dẫn thật kỹ cho các địa phương thực hiện tốt”, ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.
Đề xuất cơ chế tài chính đặc thù |