Ngày 13-4, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM (gọi tắt Ban Chỉ đạo) tổ chức phiên họp thứ 3. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Ban Chỉ đạo: Nguyễn Phước Lộc, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM; Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM; Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Phiên họp lần này đánh giá các kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo từ sau phiên họp thứ 2 (ngày 10-1-2023) đến nay. Đồng thời, thông qua nhiều nội dung quan trọng liên quan tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; việc thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo tại các phiên họp trước và phương hướng hoạt động của Ban Chỉ đạo trong thời gian tới.
Ngoài ra, trong thời gian qua, các thành viên trong Ban Chỉ đạo đã chủ động, tích cực bám sát các chỉ đạo của các cơ quan cấp trên. Đồng thời, có các cuộc làm việc trực tiếp với các cơ quan, đơn vị được Ban Chỉ đạo phân công phụ trách, theo dõi.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ban Nội chính Thành ủy TPHCM - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.
Đồng chí kết luận chỉ đạo một số nội dung quan trọng liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nhất là việc cụ thể hóa, triển khai Kết luận số 550 của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI về tình hình kinh tế - xã hội thành phố quý 1-2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2-2023; thực hiện chủ đề năm 2023 “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”.
Bí thư Thành ủy TPHCM giao các thành viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo triển khai, thực hiện nghiêm Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại phiên họp 23; Kết luận về công tác giám định, định giá tài sản.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên chỉ đạo rõ, cần tập trung theo dõi, đôn đốc tiến độ giải quyết vụ án, vụ việc, việc thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch năm 2023.
Trong đó chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát phải đúng trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn (các lĩnh vực cải cách hành chính, đầu tư công...), phát huy hiệu quả nhưng tránh trùng lấp, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM ngày 13-4. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Tại phiên họp lần này, Ban Chỉ đạo đã thống nhất chỉ đạo khẩn trương xây dựng, sớm hoàn thành Đề án “Vận dụng, triển khai thực hiện Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trong việc phòng ngừa, ngăn chặn hành vi sai phạm và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung khi có rủi ro trong thi hành công vụ” phù hợp thẩm quyền, trách nhiệm của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM.
Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM Lê Thanh Liêm phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Qua đó, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và khuyến khích, động viên, bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung, góp phần cho sự phát triển của thành phố.
Ban Chỉ đạo cũng thống nhất đưa vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Việt Á, Bệnh viện TP Thủ Đức và Công ty Nam Phong vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Đồng thời, giao Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục rà soát kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo bổ sung các vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo theo quy định.
Từ tháng 2-2021 đến tháng 9-2021, Bệnh viện TP Thủ Đức đã mua kit test của Công ty Việt Á sản xuất thông qua Công ty TNHH Thiết kế Xây dựng và dịch vụ Nam Phong (gọi tắt Công ty Nam Phong) với tổng số tiền gần 39 tỷ đồng (đơn giá 470.000 - 509.250 đồng/kit) theo 1 gói thầu với hình thức chào hàng cạnh tranh và 37 gói thầu với hình thức mua sắm chỉ định thầu rút gọn.
Việc Bệnh viện TP Thủ Đức mua kit test thông qua Công ty Nam Phong là theo chỉ định của Công ty Việt Á với mục đích thực tế là nâng giá trước khi bán vào Bệnh viện TP Thủ Đức. Công ty Nam Phong được chiết khấu từ 30-40% (tương đương gần 11 tỷ đồng).
Để hợp thức hóa cho hồ sơ chỉ định thầu, Bệnh viện TP Thủ Đức yêu cầu và hướng dẫn Công ty Nam Phong làm 3 bảng báo giá gồm: báo giá của Công ty Nam Phong theo giá của Công ty Việt Á và bảng báo giá của 2 công ty còn lại là Công ty GENE (công ty của bạn Phạm Vũ Phong) và Công ty NP-SG (công ty do Phạm Vũ Phong thành lập và nhờ em gái Phong đứng tên) có giá cao hơn đơn giá của Công ty Nam Phong.
Sau đó, Bệnh viện TP Thủ Đức hợp thức hóa thủ tục chỉ định thầu cho Công ty Nam Phong. Việc Công ty Nam Phong nâng giá bán kit test do Công ty Việt Á sản xuất cho Bệnh viện TP Thủ Đức để hưởng chênh lệch hoa hồng gây thiệt hại cho Bệnh viện TP Thủ Đức và cũng là tài sản Nhà nước gần 11 tỷ đồng.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp với Ban Nội Chính Thành ủy TPHCM tham mưu tổ chức triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng về nội dung tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.