Với 14 ý kiến phát biểu từ các chuyên gia trong và ngoài nước, các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu, DN chăn nuôi và giết mổ, các chợ đầu mối tại TP đều có sự đồng thuận và thống nhất cao về sự cần thiết phải thành lập Đề án Sàn giao dịch heo tại TP - dự kiến vận hành vào năm 2021.
Giám đốc Sở Công thương Phạm Thành Kiên cho biết, thị trường TP giao dịch bình quân 10.000 con heo/ngày đã đạt quy mô lớn với tổng trị giá đến 17.000 tỷ đồng, tương đương 750 triệu USD/năm. Do vậy, việc xây dựng sàn giao dịch heo sẽ chuẩn hóa được chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP), khắc phục phần lớn nhược điểm của mặt hàng thịt heo đang phân phối trên địa bàn TPHCM. Sàn giao dịch có thể tập hợp, thống kê tương đối đầy đủ số liệu hoạt động chăn nuôi, giết mổ và kinh doanh thịt heo trên địa bàn TP và các tỉnh thành lân cận để làm cơ sở phân tích, đánh giá, đối chiếu với các yêu cầu tối thiểu cần thiết cho việc tham gia và vận hành sàn giao dịch. Với cách làm này, TP sẽ sắp xếp lại việc chăn nuôi - mua bán heo để tạo giá trị gia tăng cao cho mặt hàng này trong thời gian tới, tránh tình trạng “được mùa rớt giá” và ngược lại.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM, Phó ban Quản lý Đề án, phân tích, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tươi sống nói chung và thịt heo nói riêng tại TPHCM rất cao nhưng hiện chưa có chuẩn quy cách đồng bộ trong chăn nuôi, giết mổ, mua bán thịt heo. Phần lớn heo vẫn được giết mổ thủ công, không bảo đảm vệ sinh dịch tễ, ATTP; mua bán truyền thống là chính; vận chuyển còn sơ khai, đơn giản; điều kiện bảo quản kho lạnh còn kém. Khi nào chưa thay đổi quy trình theo phương thức kinh doanh mới thì thương lái vẫn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng thịt heo. Người chăn nuôi yếu thế có hàng nhưng không quyết định được giá, người tiêu dùng thì giá bán lẻ ra sao cũng phải mua vậy nên bị động. Thông tin từ sản xuất, mua bán đến người tiêu dùng còn chưa minh bạch, thiếu quy hoạch. Các khâu cung ứng rời rạc, không tạo thành chuỗi sẽ khó quản lý các chủ thể.
“Sàn giao dịch là nơi hoạt động tập trung nên giá cả sẽ do sàn quyết định, không phụ thuộc vào thương lái. Heo đạt chất lượng mới được đưa lên sàn, nếu không sẽ bị loại ngay từ đầu. Chất lượng heo sẽ do một cơ quan giám định độc lập thực hiện. TPHCM cũng đã có sẵn dữ liệu từ Đề án Truy xuất nguồn gốc đầy đủ, phong phú nên việc xây dựng sàn giao dịch heo đang gặp nhiều thuận lợi”, ông Nguyễn Ngọc Hòa nhận định.
Về phương thức vận hành sàn, một số ý kiến cho rằng, Việt Nam đã từng có khá nhiều sàn giao dịch nông sản như cà phê, hồ tiêu… nhưng đều bị thất bại vì nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là các cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa thực sự hỗ trợ cho các sàn hoạt động và phát triển. Vì vậy, dù muốn hay không thì sàn này phải được triển khai theo hướng xã hội hóa, tức là có sự tham gia của nhiều thành phần, trong đó Nhà nước phải đưa ra cơ chế, chính sách phù hợp thì mới có thể nuôi dưỡng các sàn phát triển.
Để làm rõ, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương TP, cho biết, qua khảo sát thực tế các sàn giao dịch hoa, rau củ quả, heo ở Đài Loan, thì thấy xuất phát điểm của bạn khá giống Việt Nam, cũng từ các chợ mua bán nhỏ lẻ. Hầu hết mô hình này của công ty cổ phần, vốn đầu tư không lớn. Nhà nước hỗ trợ thông qua việc tạo dựng chính sách, dành đất và cử người tham gia, theo dõi giám sát. Phần còn lại là của các DN cùng tham gia để xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị và điều phối hoạt động… Ban quản lý đề án cũng đã đến các địa phương từng xây dựng sàn giao dịch cà phê, hồ tiêu đề tìm hiểu kỹ nguyên nhân thất bại tại Việt Nam để định hướng hoạt động cho sàn giao dịch heo.
Ngay sau khi đề án được cho phép triển khai, Cục Thực thi quy định quốc tế thuộc Bộ Năng lượng và chiến lược công nghiệp Vương quốc Anh ký ghi nhớ hợp tác hỗ trợ xây dựng Sàn giao dịch heo trên địa bàn TPHCM, nhưng theo đánh giá của ông Phạm Thành Kiên, TPHCM là địa phương tiên phong mở sàn giao dịch heo nên để triển khai thành công là điều không dễ dàng, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, cũng như cộng đồng DN. Nếu TP triển khai thành công, có thể nhân rộng ra các mặt hàng nông sản khác, hình thành hoạt động mua bán, kinh doanh văn minh, hiện đại, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng TP thông minh, định hướng tái cơ cấu và chuẩn hóa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.