Phân luồng, giãn cách
Hôm nay 10-12, học sinh khối lớp 9, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) được chia thành 2 ca tập trung tại trường để sinh hoạt về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Theo kế hoạch, từ ngày 13-12, nhà trường sẽ tổ chức phân luồng học sinh theo 2 cổng, 4 lớp vào cổng trên đường Nguyễn Du và 4 lớp còn lại vào cổng trên đường Đặng Trần Côn. Đối với các lớp học 1 buổi, học sinh sẽ học trực tiếp các buổi sáng trong tuần từ thứ hai đến thứ sáu, mỗi buổi 4 tiết, buổi chiều tự học và hoàn thành các nhiệm vụ học tập tại nhà theo yêu cầu của giáo viên. Riêng đối với các lớp tích hợp, những buổi học có tiết tích hợp sẽ học theo hình thức trực tuyến, thời khóa biểu chương trình chính khóa được bố trí sáng hoặc chiều tùy từng lớp. Ban giám hiệu lưu ý, trong 2 tuần thí điểm tổ chức dạy học trực tiếp, giáo viên không tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh mà chỉ rà soát, đánh giá lại hiệu quả học trực tuyến để qua đó tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh.
Học sinh không tham gia học trực tiếp sẽ được hướng dẫn xem bài giảng trên website trường, đồng thời theo dõi các buổi ghi hình tiết học trên lớp của những học sinh khác. Để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhà trường lưu ý học sinh ăn sáng tại nhà, không mua đồ ăn bên ngoài mang vào trường đồng thời hạn chế cha mẹ học sinh vào khuôn viên trường.
Tương tự, tại Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 11), cô Đào Thị Kim Dung, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, học sinh khối 12 sẽ học trực tiếp vào các buổi sáng, riêng khối 10 và 11 vẫn duy trì học trực tuyến vào buổi chiều. Trong giai đoạn này, thời khóa biểu tập trung ôn tập các nội dung của chương trình chính khóa. Tất cả các lớp đều được tách đôi sĩ số, bố trí ở 2 phòng học khác nhau, kết nối thông tin với nhau qua các công cụ trực tuyến. Việc tách lớp dự kiến thực hiện trong tuần đầu tiên khi học sinh trở lại trường, sau đó dựa vào tình hình thực tế để có điều chỉnh phù hợp. Trường có tổng cộng 15 lớp 12 nên nhà trường dành nhiều thời gian nhắc nhở học sinh về quy tắc 5K. Tất cả phòng học đều được trang bị cồn sát khuẩn và máy đo thân nhiệt. Trong buổi họp phụ huynh học sinh diễn ra vào cuối tuần qua, giáo viên chủ nhiệm khuyến khích phụ huynh trang bị thêm cồn sát khuẩn hoặc nước rửa tay cá nhân cho học sinh để các em chủ động sử dụng khi có nhu cầu.
Riêng tại Trường THPT Trưng Vương (quận 1), sĩ số của các lớp 12 dao động khoảng 40 học sinh/lớp nhưng trường không tổ chức tách lớp vì sẽ gây quá tải công việc cho giáo viên. Thay vào đó, trường tận dụng các phòng học bộ môn, phòng chức năng có diện tích rộng hơn để bố trí phòng học cho học sinh khối 12, đảm bảo mỗi học sinh ngồi một bàn hoặc 2 học sinh/bàn. Trong 2 tuần thí điểm cho học sinh trở lại trường học, nhà trường bố trí 2 lối đi riêng cho giáo viên và học sinh, quy định mang khẩu trang trong suốt thời gian ở trong và ngoài lớp học, tăng cường giám thị nhắc nhở học sinh vào giờ chơi, trang bị tấm chắn hạn chế tiếp xúc giữa giáo viên và học sinh khi phát hiện có F0 trong lớp học…
Phối hợp từ nhiều phía
Theo ghi nhận, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và bố trí nhân sự đón học sinh trở lại ở các trường tại TPHCM đã hoàn tất. Nhiều nơi còn trang bị thêm găng tay, kính chống giọt bắn, thùng rác riêng. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các đơn vị, hiện nay các trường không đủ nguồn tài chính thực hiện test nhanh định kỳ cho tất cả giáo viên, học sinh mà chỉ tập trung phương án xử lý khi phát hiện ca nhiễm.
Phó hiệu trưởng một trường THPT ở quận 1 thẳng thắn bày tỏ: “Vấn đề an toàn cho học sinh luôn được nhà trường đặt lên hàng đầu nhưng không một ai dám đảm bảo an toàn tuyệt đối, bởi điều này còn phụ thuộc vào chính ý thức của học sinh. Hơn nữa trong bối cảnh phụ huynh cũng đi làm, tất cả mọi thành viên trong gia đình đều có tiếp xúc bên ngoài nên việc phối hợp thông tin là rất cần thiết, hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh nhiễm bệnh bên ngoài rồi mang vào trường học”.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu UBND TPHCM đã quyết định cho học sinh khối 9 và 12 trở lại trường học dựa trên các dự báo về y tế, giáo dục thì không nên thăm dò ý kiến phụ huynh đồng ý hay không đồng ý, thay vào đó nên tìm hiểu hiện nay phụ huynh và học sinh còn băn khoăn, lo lắng điều gì để kịp thời có biện pháp điều chỉnh, khắc phục, trấn an tâm lý phụ huynh nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh trong trường học.
Theo quy định của Sở GD-ĐT TPHCM, trong ngày đầu tiên học sinh trở lại trường, nhà trường không tổ chức các hoạt động học tập mà chỉ tổ chức kiểm tra tình trạng sức khỏe, khai báo y tế, hướng dẫn học sinh các biện pháp tự phòng ngừa và triển khai kế hoạch học tập. Sau 2 tuần thí điểm dạy học trực tiếp, các đơn vị sẽ đánh giá lại hiệu quả triển khai, rút kinh nghiệm trước khi quyết định mở rộng đối tượng học sinh đến trường.
Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, khẳng định, những học sinh chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine Covid-19 sẽ được quan tâm đặc biệt từ việc hỗ trợ học tập đến đảm bảo an toàn trong quá trình các em sinh hoạt tại trường để đảm bảo quyền lợi và nhu cầu học tập như những học sinh khác.