Ngày 20-10, UBND TPHCM phối hợp với lực lượng vũ trang Quân khu 7 và các lực lượng của Bộ Quốc phòng trên địa bàn TPHCM tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự, ứng phó bão mạnh kết hợp triều cường và tìm kiếm cứu nạn tại huyện Cần Giờ.
Chủ trì diễn tập có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm.
Tình huống giả định, khoảng 8 giờ ngày 18-10 xuất hiện bão mạnh có tên quốc tế là Nokten (cơn bão số 13) với sức gió mạnh đổ bộ vào phía Nam Philippines. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, bão Nokten sẽ đi vào biển Đông.
Vị trí tâm bão cách quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa khoảng 400km về phía Đông. Đây là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng lớn, sức gió mạnh nhất ở vùng tâm bão cấp 10 - 11, giật cấp 12 - 13; lượng mưa 300 - 350mm, nước biển dâng cao khoảng 2,7m; kết hợp triều cường có thể lên cao từ 4,4 - 4,7m.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 13 di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được 30km, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Khánh Hòa đến Cà Mau, vùng tâm bão là khu vực tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và TPHCM.
Trước tình hình phức tạp của bão số 13 và thời gian qua trên địa bàn TP đã có mưa to đến rất to kéo dài kết hợp với triều cường gây sạt lở đất trên tuyến sông, ngập úng ở các vùng thấp trũng; Ban Chỉ đạo PCTT – TKCN TPHCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, ban, ngành tập trung tổ chức chằng chống nhà cửa, di dời nhân dân ở các vùng thấp trũng và khắc phục các thiệt hại ban đầu.
Bão đổ bộ với sức gió lớn, nước biển dâng cao sẽ phá hủy cơ sở hạ tầng, khu dân cư bị ngập úng, sụt lún, sập đổ nhiều công trình gây thiệt hại lớn về người và tài sản, rò rỉ hoá chất độc hại.
Bão mạnh kèm theo mưa lớn kết hợp với triều cường và xả lũ của hồ Dầu Tiếng gây chia cắt, cô lập ở nhiều nơi, đặc biệt là các quận, huyện ở vùng thấp trũng, nhiều tuyến đê bao có nguy cơ vỡ.
Hệ thống giao thông Quốc lộ 50, đường Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát, đường Rừng Sác và nhiều đoạn bị sat lở nghiêm trọng gây ùn tắc giao thông.
Bước đầu, vận hành cơ chế theo 3 cấp (thành phố, quận – huyện, xã – thị trấn). Sau đó, diễn tập thực binh: Thông báo kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh, tổ chức neo đậu, chằng néo, tổ chức chằng chống nhà cửa và sơ tán dân vùng trọng điểm bão, tổ chức tìm kiếm cứu nạn trên sông, cửa biển, ứng cứu sập đổ công trình, thiết lập bệnh viện dã chiến, cứu trợ nhân đạo giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý sự cố cháy nổ, rò rỉ hoá chất và cứu nạn, cứu hộ
Diễn tập nhằm phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản nhà nước và nhân dân.
Đánh giá khả năng huy động nguồn lực, phương tiện, trang bị cứu hộ, cứu nạn để khắc phục hậu quả trong các tình huống phức tạp, theo phương châm “4 tại chỗ”.
Từ kết quả diễn tập, cơ quan đơn vị tiến hành bổ sung, điều chỉnh, hoàn thành phương án PCTT – TKCN, khắc phục sự cố hoá chất độc hại và đầu tư mua sắm các trang thiết bị nhằm chủ động, ứng phó có hiệu quả với các tình huống về thiên tai, bão lũ cũng như công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn TP.