Chiều 24-8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, cùng đại diện Bộ TT-TT, các sở, ngành.
Nhiều mô hình, giải pháp hay đảm bảo an sinh xã hội
Thông tin tại buổi họp báo, đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM cho biết, TPHCM đang tăng cường công tác phòng chống dịch trên địa bàn với các giải pháp như: giãn cách xã hội là yếu tố quyết định, thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt, điều trị giảm tử vong là mục tiêu hàng đầu, bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu và vaccine, thuốc điều trị là chiến lược.
Theo đồng chí Phạm Đức Hải, những ngày gần đây TP tập trung quản lý người ăn xin, người lang thang với mục đích thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách về phòng chống dịch; đồng thời tập trung quản lý chăm sóc y tế, nuôi dưỡng người lang thang, không có nơi lưu trú ổn định. TP đã yêu cầu Sở LĐTB-XH phối hợp với lực lượng công an, quân sự, y tế, UBND phường-xã-thị trấn kiểm tra, lập hồ sơ, tập trung người lang thang, người sinh sống nơi công cộng tập trung lại để tổ chức test nhanh kháng nguyên cho các đối tượng trên.
“Nếu kết quả test nhanh cho kết quả âm tính, sẽ tiếp nhận đối tượng vào Trung tâm xã hội, nếu kết quả dương tính thì tiếp nhận vào khu cách ly tập trung của quận huyện hoặc TP. Đối với những đối tượng lang thang có sử dụng ma túy có kết quả xét nghiệm dương tính, không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì đưa vào trung tâm cách ly, đối tượng nặng thì đưa vào Bệnh viện dã chiến Củ Chi”, đồng chí Phạm Đức Hải thông tin.
Ngành y tế đã thực hiện tốt việc chăm sóc, giúp đỡ hỗ trợ F0 tại nhà và đến nay đã thành lập 274 trạm y tế lưu động và sẽ hết sức tăng tốc để hoàn thành 400 trạm theo kế hoạch.
Trong ngày 24-8, TP đã tiếp nhận nhiều loại mặt hàng như nhu yếu phẩm của các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trị giá hơn 594.774.000 đồng. Trung tâm an sinh đã phối hợp các đơn vị triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ 2 triệu túi an sinh (300.000 đồng/phần) cho người dân khó khăn trên địa bàn TP bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, đến ngày 23-8, đã chuyển về quận, huyện để phân bổ đến hộ khó khăn trên 347.000 phần quà.
“Hiện đã có hơn 20.000 chủ nhà trọ đã miễn, giảm giá thuê cho 273.728 phòng trọ với hơn 158 tỷ đồng. Tính đến nay đã có 178 các mô hình, giải pháp hay đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố gồm 109 bếp ăn từ thiện, 59 gian hàng 0 đồng, 7 ATM gạo, 2 chuyến xe gạo nghĩa tình, 1 tủ lạnh cộng đồng”, đồng chí Phạm Đức Hải thông tin.
Công an TPHCM không trực tiếp cấp giấy đi đường
“Công an TPHCM không trực tiếp cấp giấy đi đường mà chỉ được giao in, quản lý cấp giấy. Chỉ quản lý được lượng giấy cấp ra bao nhiêu, cấp cho đơn vị nào, trong giấy có quy định một số nội dung về kỹ thuật để quản lý và có mã QR để người sử dụng quét và khai báo thông tin về cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư”, Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin. |
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết, số F0 tăng sẽ tăng nhu cầu điều trị. Do đó, hiện ngoài việc mở rộng các bệnh viện thuộc tầng 2 trong tháp điều trị 3 tầng, TP cũng mở rộng tầng 1 là những F0 cách ly tại nhà và khu điều trị F0 tại các quận huyện.
“Để chuẩn bị việc này TP đang triển khai nhiều mô hình, trong đó tăng cường quản lý, điều trị F0 tại nhà. Sở Y tế đã thành lập trạm y tế lưu động tức là mỗi một phường xã sẽ thành lập từ 2-3 trạm y tế lưu động tùy theo mức độ F0 trên địa bàn. Trạm này chăm sóc F0 tại nhà, chăm sóc người bệnh thông thường và kết nối truyến trên khi có trường hợp chuyển nặng, ngoài ra, còn thực hiện tiêm vaccine cho người dân”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng thông tin.
Theo đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, hiện TP thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ và Chỉ thị 11 của Thành phố về việc thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội. |