Theo kế hoạch đến năm 2025, Tổng công ty Điện lực TPHCM sẽ ngầm hóa lưới điện trung thế từ 50% đến 60%; trong đó các quận nội thành đạt tỷ lệ ngầm hóa 80% - 90%, riêng các quận 1, 3, 5 đạt tỷ lệ ngầm hóa xấp xỉ 100%; các quận còn lại đạt tỷ lệ ngầm hóa 60-80%. Để hiểu rõ hơn về công tác ngầm hóa của TPHCM trong 10 năm qua và kế hoạch sắp tới, phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với ông Bành Đức Hoài, Phó Tổng Giám đốc, Tổng công ty Điện lực TPHCM:
- Thưa ông, được biết, Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) là đơn vị tiên phong trong việc ngầm hóa lưới điện, đảm bảo an toàn, tin cậy trong vận hành hệ thống điện, làm đẹp cảnh quan, tạo môi trường sống văn minh, hiện đại. Như vậy, qua 10 năm triển khai thực hiện công tác ngầm hóa lưới điện đã đạt được những thành quả nội bật gì?
- Ông Bành Đức Hoài, Phó Tổng Giám đốc, Tổng công ty Điện lực TPHCM: Dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo thành phố và sự hỗ trợ từ các sở, ban ngành địa phương, Tổng công ty Điện lực TPHCM đã phối hợp với các Chủ đầu tư mương cáp viễn thông (Viettel, VNPT, FPT, SCTV, Tradincorp) thực hiện hoàn thành 240 dự án ngầm hóa tại 195 tuyến đường. Trong đó, giai đoạn 2011 – 2015, hoàn thành 97 dự án ngầm hóa tại 74 đoạn tuyến đường với khối lượng 350 km lưới điện trung thế, 576 km lưới điện hạ thế; giai đoạn 2016 – 2020, hoàn thành 143 dự án ngầm hóa tại 121 đoạn tuyến đường với tổng khối lượng 675 km lưới điện trung thế, 1.160 km lưới điện hạ thế. Tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế toàn thành phố tăng từ 25% vào năm 2011 lên 32% vào cuối năm 2015 và đạt 45% vào cuối năm 2020 (vượt 10% so với kế hoạch đề ra là 35%). Cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông khu vực trung tâm Thành phố (tỷ lệ ngầm hóa lưới trung thế quận 1, và quận 3 đạt 98%), khu vực nội thành các quận 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, và Gò Vấp đạt tỷ lệ 60% (chỉ tiêu đề ra là ngầm hóa khu vực các quận nội thành đạt trên 50%).
- Trong quá trình triển khai thực hiện công tác ngầm hóa lưới điện đã có những thuận lợi gì và gặp phải những khó khăn như thế nào?
- Thuận lợi: Việc ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông đã góp phần thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị và tạo mỹ quan khu vực trên toàn thành phố nên được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp Lãnh đạo thành phố, sự ủng hộ của các Sở ngành, quận huyện, và được sự đồng thuận của các cơ quan, đơn vị, đại đa số người dân trong khu vực thực hiện các dự án ngầm hóa.
Từ năm 2013, Tổng công ty Điện lực TPHCM đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị thành lập Ban Chỉ đạo ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông trên địa bàn thành phố (với thành phần gồm Lãnh đạo của Tổng công ty Điện lực TPHCM, Viettel, VNPT, SCTV, FPT và Tradincorp) để điều hành việc triển khai thực hiện chung các dự án ngầm hóa được đồng bộ, nhằm đáp ứng tiến độ và chất lượng công trình theo qui định.
Sau đó, để chỉ đạo, điều hành công tác thực hiện các dự án ngầm hóa trên địa bàn thành phố, trên cơ sở Hội nghị sơ kết ngầm hóa vào tháng 6-2014, UBND TPHCM đã thành lập Ban Chỉ đạo ngầm hóa lưới điện kết hợp cáp viễn thông cấp thành phố vào tháng 10-2014 với sự tham dự đầy đủ của các Sở, ngành liên quan và các đơn vị thực hiện và đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban Chỉ đạo.
Đặc biệt, để đảm bảo nguồn vốn và tiến độ, Tổng công ty Điện lực TPHCM đã ký hợp đồng vay với các ngân hàng thương mại để thực hiện các dự án ngầm hóa. Đồng thời đăng ký các công trình ngầm hóa lưới điện vào danh mục các dự án thuộc Chương trình kích cầu hỗ trợ lãi suất của Thành phố. Đến nay, đã có 187 dự án ngầm hóa với tổng mức đầu tư 8.072 tỷ đồng được đưa vào Chương trình kích cầu hỗ trợ lãi suất của Thành phố, trong đó vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 4.568 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi vay được hỗ trợ trong giai đoạn 2016-2020 là 350 tỷ đồng.
Khó khăn: Về công tác thỏa hiệp hướng tuyến, thiết kế: trên địa bàn thành phố có nhiều công trình ngầm như cấp nước, thoát nước, viễn thông, điện lực,… nên các công trình ngầm hóa gặp nhiều khó khăn trong quá trình thỏa thuận tuyến, khi triển khai thi công thì thường phải liên tục xử lý xung đột, dẫn đến phải sửa đổi hiệu chỉnh thiết kế nhiều lần.
Sau khi thực hiện ngầm hóa, toàn bộ trụ và dây điện hiện hữu sẽ được thu hồi. Theo đó, các thiết bị trước đây lắp đặt trên trụ điện như: máy biến thế, tủ đóng cắt (RMU) và các tủ điện hạ thế, phải tái bố trí lại trên vỉa hè. Tuy nhiên, vỉa hè của một số tuyến đường khá chật hẹp không đủ mặt bằng để bố trí, lắp đặt thiết bị. Một số tuyến đường thậm chí không có vỉa hè hoặc đã bố trí nhiều hệ thống hạ tầng, gây khó khăn trong việc tìm kiếm, bố trí vị trí lắp đặt thiết bị.
Chưa thể triển khai thực hiện ngầm hóa hệ thống cấp điện cho chiếu sáng, tín hiệu giao thông đồng bộ với các dự án ngầm hóa lưới điện và dây thông tin do đó một số trụ điện vẫn phải giữ lại để đỡ dây cấp nguồn và cần đèn của hệ thống chiếu sáng.
- Đối với giai đoạn tiếp theo 2021-2025, Tổng công ty Điện lực TPHCM sẽ xây dựng kế hoạch ngầm hóa lưới điện như thế nào nhằm góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn cho người dân, đồng thời tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư?
- Trong thời gian tới, EVNHCMC đặt ra kế hoạch để hiện thực hóa những mục tiêu như sau: Khối lượng thực hiện ngầm hóa lưới điện giai đoạn 2021-2025: 500 km lưới điện trung thế, 800 km lưới điện hạ thế. Khối lượng thực hiện ngầm hóa lưới điện bình quân hàng năm là 100 km lưới điện trung thế, 160 km lưới điện hạ thế.
Ngầm hóa lưới điện trung thế trên địa bàn thành phố để đến năm 2025 toàn thành phố đạt tỷ lệ ngầm hóa từ 50% đến 60%; trong đó các quận nội thành đạt tỷ lệ ngầm hóa 80% - 90%, riêng các quận 1, 3, 5 đạt tỷ lệ ngầm hóa xấp xỉ 100%; các quận còn lại đạt tỷ lệ ngầm hóa 60-80%.
Tổng công ty Điện lực TPHCM xây dựng kế hoạch ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông giai đoạn năm 2021 - 2025 và báo cáo Ban Chỉ đạo ngầm hóa, Sở Thông tin và Truyền thông và gửi các đơn vị viễn thông khảo sát, đăng ký làm chủ đầu tư mương cáp viễn thông các dự án dự kiến thực hiện trong tháng 7-2020. Thường trực Ban Chỉ đạo ngầm hóa (Sở Công thương) đã đề nghị các Sở, ngành và UBND các quận, huyện góp ý kế hoạch ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông trên địa bàn Thành phố giai đoạn năm 2021 – 2025 tại Văn bản số 5130/SCT-QLNL ngày 14-9-2020. Tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, Tổng công ty Điện lực TPHCM đã hoàn chỉnh kế hoạch ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông giai đoạn năm 2021 – 2025 và báo cáo Ban Chỉ đạo ngầm hóa, Sở Thông tin và Truyền thông tại Văn bản 4878/EVNHCMC-KH ngày 28-10-2020 để xem xét và trình UBND TP ban hành để các đơn vị có cơ sở triển khai thực hiện.