Tại Trường Mầm non Tuổi Thơ 7, cô Vũ Đỗ Thúy Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của đơn vị là ngoài kinh phí mua kit test, nhà trường phải trang bị số lượng lớn dung dịch khử khuẩn do phải thường xuyên vệ sinh đồ chơi cho học sinh 2 lần/ngày để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.
Riêng trong các lớp học, các cô bảo mẫu liên tục vệ sinh khử khuẩn bề mặt tiếp xúc như tay nắm cửa, mặt bàn, mặt ghế…
Trong khi đó, quy định hiện nay về mức thu vệ sinh phí trong các cơ sở giáo dục là 50.000 đồng/học sinh/tháng. Đặc biệt trong tháng 2-2022, học sinh chỉ đi học nửa tháng (do nghỉ Tết Nguyên đán năm 2022) nên trường chỉ thu 25.000 đồng/học sinh/tháng.
“Chỉ tính trong tháng 2, tổng chi phí trang bị xà phòng, khăn giấy, dung dịch khử khuẩn, xịt côn trùng… cho toàn trường là 24 triệu đồng. So với giai đoạn dịch Covid-19 chưa bùng phát, chi phí vệ sinh đã tăng hơn 6 triệu đồng/tháng. Trước mắt, nhà trường tận dụng các nguồn thu của đơn vị, song về lâu dài cần có thêm quy định về xã hội hóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị”, cô Thúy Hiền bày tỏ.
Có mặt tại lớp 3D (lớp 3-4 tuổi), ghi nhận cho thấy có hơn 10 học sinh đến lớp. Cô Vũ Thị Hồng Ân, giáo viên lớp cho biết, lớp có tổng sĩ số 21 học sinh; trong đó, có 14 học sinh đăng ký trở lại trường từ ngày 14-2. Giáo viên luân phiên tổ chức các hoạt động vui chơi cá nhân (giao nhiệm vụ cho từng trẻ) hoặc sinh hoạt theo nhóm nhỏ nhưng vẫn đảm bảo quy định về giãn cách.
Hôm nay (2-3), toàn trường có 199 bé đi học trên tổng số 380 trẻ, chiếm tỷ lệ hơn 50%. Từ ngày 1-3, trường tổ chức đón trẻ dưới 3 tuổi đi học trở lại. Đối với các lớp nhỏ tuổi, quy định hiện nay không bắt buộc trẻ đeo khẩu trang trong lớp học. Tuy nhiên với các lớp lớn hơn, nhà trường khuyến khích học sinh đeo khẩu trang trong một số hoạt động phù hợp nhưng không bắt buộc.
Cùng ngày, đoàn khảo sát tiếp tục làm việc với Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (quận 3). Thầy Mai Quang Phương, Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin, tính đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện trường hợp F0 nào tại lớp học. Trường hiện có 7/41 lớp học trực tuyến do có học sinh hoặc giáo viên là F0 (phát hiện tại nhà).
Trao đổi với đoàn khảo sát, thầy Mai Quang Phương cho biết, hiện nay toàn bộ chi phí mua kit test, dung dịch khử khuẩn, máy đo nhiệt độ, đo oxy… đều trích từ kinh phí chi thường xuyên của đơn vị.
“Trước mắt chúng tôi chỉ trang bị 30 kit test, sử dụng đến đâu trang bị thêm tới đó do kinh phí có giới hạn. Do đặc thù tâm sinh lý của học sinh tiểu học nên khi phát hiện trường hợp học sinh nghi mắc Covid-19, nhà trường phải liên hệ ngay với phụ huynh. Việc xét nghiệm nhanh cho học sinh phải có sự phối hợp và chứng kiến của phụ huynh chứ nhà trường không tự ý thực hiện. Riêng việc tầm soát F1, đơn vị cũng phối hợp với trung tâm y tế địa phương để khoanh vùng và xử lý theo quy định”, đại diện trường cho biết.
Ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, số lượng học sinh và giáo viên là F0 và F1 tăng cao, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM cho biết sẽ tiếp tục làm việc với các sở, ngành liên quan để tìm cách tháo gỡ cho các đơn vị, đặc biệt trong việc kinh phí mua kit test, dung dịch khử khuẩn nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh.