TPHCM đề xuất thử nghiệm các giải pháp công nghệ mới

Chiều 16-8, Sở KHCN TPHCM tổ chức tổ chức tọa đàm thảo luận về quy định các tiêu chí lĩnh vực thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn TPHCM.
Các chuyên gia, nhà khoa học phát biểu góp ý cho dự thảo
Các chuyên gia, nhà khoa học phát biểu góp ý cho dự thảo

Dự thảo quy định ở 2 nhóm lĩnh vực: Nhóm 1 là các sản phẩm, giải pháp công nghệ tham gia có kiểm soát (công nghệ không dây LoRaWAN, Wifi-Halow, xe điện không người lái, công nghệ số có sử dụng drone). Nhóm 2 là các lĩnh vực/giải pháp công nghệ (Trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, điện toán lưới, điện toán biên, internet vạn vật, công nghệ không dây, thực tại ảo, thực tại ảo tăng cường, Blockchain…). Các lĩnh vực đều ưu tiên cho sự phát triển kinh tế - xã hội và KHCN của thành phố.

Các nhóm giải pháp công nghệ mới phải là các giải pháp mà những nội dung kỹ thuật và nghiệp vụ hoàn toàn chưa được quy định tại bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào, hoặc đã được quy định nhưng có thể cắt giảm thủ tục cấp phép trong phạm vi thử nghiệm. Đồng thời, đây phải là giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho TPHCM.

TPHCM sẽ hỗ trợ mặt bằng, cơ sở hạ tầng trong khu công nghệ cao, khu thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo của TPHCM có mục đích sử dụng phù hợp để phục vụ việc thử nghiệm giải pháp. Các đơn vị cũng sẽ được miễn xin phép trong trường hợp sản phẩm thử nghiệm sử dụng các công nghệ được quy định. Đồng thời, các đơn vị sẽ được hỗ trợ tối đa 30% tổng kinh phí thử nghiệm từ ngân sách khoa học và công nghệ của TPHCM.

Góp ý cho dự thảo, TS. Dương Như Hùng, Trưởng khoa Quản lý công nghiệp, Trường Đại học Bách Khoa TPHCM, cho biết, hiện nay nên tập trung ưu tiên phát triển công nghệ AI dành cho ngành y tế, như công nghệ chuẩn đoán trong khám chữa bệnh, sức khoẻ. Đây là một trong những công nghệ có tiềm năng phát triển… Bên cạnh đó, cũng nên tập trung phát triển những sản phẩm dịch vụ, mang tính đổi mới, có chính sách miễn hoặc nới lỏng các quy định nhà nước, quy định liên quan hoặc quy định của các địa phương.

“Để tránh tình trạng các sản phẩm, giải pháp công nghệ chưa thật sự đổi mới, nhưng tận dụng “đổi mới” để lạm dụng chính sách, thành phố cần xây dựng những tiêu chí cụ thể để đánh giá các sản phẩm, giải pháp mới thật sự mang lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố, từ đó có cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp”, TS. Dương Như Hùng nhấn mạnh.

Ông Lê Thành Trung, đại diện Công ty Drone Hera đưa ra nhận xét, góp ý cho dự thảo

Ông Lê Thành Trung, đại diện Công ty Drone Hera đưa ra nhận xét, góp ý cho dự thảo

Về phía doanh nghiệp, ông Lê Thành Trung, đại diện Công ty Drone Hera cho biết, các sản phẩm của công ty đều do các kỹ sư, nhà nghiên cứu của Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm của công ty đều chưa xin được giấy phép bay, chỉ được bay trong khuôn khổ đất của đơn vị, nằm trong Khu công nghệ cao TPHCM. Mỗi chuyến bay phải xin phép từ Cục tác chiến, tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến quá trình thử nghiệm. Do vậy, bản thân ông mong muốn thành phố xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ các nhóm nghiên cứu hay starup để họ mạnh dạn, tự tin phát triển các sản phẩm nghiên cứu.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KHCN TPHCM mong muốn nhận được góp ý từ các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TPHCM về quy định thử nghiệm một số giải pháp công nghệ có kiểm soát để dự thảo hoàn chỉnh. Khi có một khung chính sách cụ thể, có cơ chế xét duyệt thì các sản phẩm nghiên cứu sẽ được phát triển, ứng dụng vào thực tiễn thuận lợi hơn.

Tin cùng chuyên mục