Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, bậc học mầm non có 2.611 cán bộ quản lý, 27.359 giáo viên và 11.458 nhân viên.
Tính đến thời điểm tháng 1-2024, số cán bộ quản lý mầm non công lập còn thiếu 278 người, riêng giáo viên thiếu 529 người ở các trường công lập, 671 giáo viên ở các cơ sở ngoài công lập.
Theo đánh giá của cơ quan quản lý, thành phố đã có nhiều chính sách thu hút đối với giáo viên mầm non, tuy nhiên chưa đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt tại thành phố, nhất là giáo viên đến từ các tỉnh thành khác phải thuê nhà, trang trải cuộc sống.
Do đó, sau khi tốt nghiệp ra trường, một bộ phận giáo viên chọn lựa môi trường hoạt động tự do hoặc đăng ký tuyển dụng vào các tổ chức hoặc đơn vị thuộc loại hình tư thục để có thu nhập cao hơn.
Để khắc phục tình trạng đó, Sở GD-ĐT TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp như: tổ chức tuyển dụng viên chức linh động bằng nhiều hình thức (thi tuyển, xét tuyển, tuyển dụng nhiều đợt trong năm); Đẩy mạnh phân cấp tổ chức tuyển dụng cho các đơn vị sự nghiệp công lập, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, chủ động thu hút nguồn lực, có thể tính đến giải pháp ký hợp đồng giáo viên khi chưa tuyển dụng được nhân sự để đảm bảo hoạt động cho đơn vị.
Tới đây, Sở GD-ĐT cho biết sẽ phối hợp Sở Nội vụ trình UBND TPHCM xem xét chỉ đạo thống nhất về thời gian chuyển công tác đối với viên chức, thời gian tổ chức tuyển dụng viên chức đợt 1 trong toàn thành phố; đồng thời tổ chức tiếp nhận giáo viên mầm non chuyển công tác vào TPHCM theo nhu cầu của đơn vị.
Song song đó, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục đề xuất chế độ chính sách thu hút đối với giáo viên mầm non, khắc phục khó khăn về tài chính, giúp người lao động tham gia lâu dài với ngành giáo dục; tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo để có chế độ thu hút sinh viên tham gia ngành học giáo dục mầm non.
Riêng đối với các khu vực có khu công nghiệp (KCN), trong những năm qua, việc đầu tư xây dựng trường mầm non tại các KCN nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, nhiều dự án trường mầm non được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước.
Các cấp chính quyền địa phương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm tranh thủ các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường, lớp, góp phần giảm bớt gánh nặng quá tải số trẻ/lớp cho các trường công lập trên địa bàn các KCN.
Mặc dù vậy, việc thực hiện các dự án trường mầm non tại KCN còn gặp nhiều khó khăn do quỹ đất xây trường hạn chế; việc vận động doanh nghiệp mở trường học trên phần đất thuê để xây dựng trường gặp nhiều khó khăn.
Mặc khác, nhu cầu gửi trẻ ngoài giờ của công nhân lao động tại các KCN ngày càng tăng cao, trong khi đó số lượng biên chế giáo viên của ngành giáo dục không đủ để chia ca đáp ứng việc giữ trẻ ngoài giờ, trường học vi phạm Luật Lao động nếu giáo viên làm quá số giờ quy định...
Nhằm khắc phục khó khăn đó, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP (ngày 4-6-2019) của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, các sở ngành tiếp tục phối hợp tham mưu UBND TPHCM hệ thống hóa các quy định về huy động các nguồn lực xã hội cho giáo dục theo từng lĩnh vực, nhóm vấn đề cụ thể, phát hiện những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn và còn thiếu; từ đó tham mưu đề xuất hướng chỉnh sửa, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp; đồng thời cập nhật những chủ trương, định hướng mới về xã hội hóa để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.
Tính đến cuối năm học 2023-2024, TPHCM có 3.469 cơ sở giáo dục mầm non với 340.746 trẻ đang theo học gồm 1.248 trường; 1.955 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập và 266 nhóm trẻ quy mô tối đa 7 trẻ.
Riêng đối với các khu vực có khu công nghiệp - hoạt động tập trung tại TP Thủ Đức và các quận 7, 12, Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân, huyện Củ Chi, Bình Chánh và Nhà Bè, toàn thành phố có 771 trường; 1.590 nhóm lớp với 209.222 trẻ đang theo học.
Hiện nay, tỷ lệ trẻ em 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt tỷ lệ 100%. Toàn thành phố có 312/312 phường, xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.