Ngày 19-4, tại TPHCM, Đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương và Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam do đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm trưởng đoàn đã khảo sát về tình hình giao và quản lý biên chế công đoàn tại TPHCM. Tham gia cùng đoàn có đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Tiếp đoàn, có các đồng chí: Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Thái Thị Bích Liên, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM; Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Quang Dương cho biết, việc khảo sát nhằm làm rõ hơn tình hình thực tế việc giao, quản lý, sử dụng biên chế công đoàn trong những năm qua tại TPHCM. Từ đó phân tích, chỉ rõ những mặt tích cực, những tồn tại, làm rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp phù hợp, khách quan nhằm xác định rõ ràng hơn việc giao biên chế công đoàn tại TPHCM để việc quản lý, sử dụng biên chế công đoàn hợp lý, hiệu quả hơn.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết, từ năm 2015 đến nay, các cấp công đoàn TPHCM đã tuyên truyền vận động phát triển hơn 1 triệu đoàn viên và thành lập 12.430 CĐCS; đầu tư đổi mới quy trình vận động thành lập CĐCS theo hướng tăng cường sự chủ động tham gia của người lao động trong việc thành lập. Tính đến 31-12-2022, LĐLĐ TPHCM đang quản lý 19.133 CĐCS với hơn 1,3 triệu đoàn viên được phân bố ở các cấp công đoàn. Phấn đấu đến năm 2030, Công đoàn TPHCM sẽ có hơn 1,7 triệu đoàn viên và thành lập 100% CĐCS tại các doanh nghiệp có 25 lao động trở lên.
Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Trần Thị Diệu Thúy báo cáo tại buổi làm việc của đoàn khảo sát. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Hiện nay biên chế của LĐLĐ TPHCM vẫn được thực hiện theo hệ thống Công đoàn TPHCM. Tính đến cuối năm 2022, LĐLĐ TPHCM có 397 cán bộ công đoàn chuyên trách. Với số lượng biên chế giao theo hệ thống như hiện nay, LĐLĐ thành phố chủ động trong công tác quản lý, sử dụng biên chế phù hợp với chức năng nhiệm vụ, quy mô quản lý công đoàn cơ sở, đoàn viên, tình hình tài chính và tình hình thực tiễn của từng đơn vị.
Tuy nhiên, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM bày tỏ, với số biên chế được giao hiện chưa tương ứng với quy mô quản lý CĐCS và đoàn viên công đoàn, chưa đáp ứng khối lượng công việc theo chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn và những thách thức đặt ra cho tổ chức công đoàn trong tình hình mới. Theo đó, bình quân hiện nay 1 cán bộ chuyên trách quản lý bình quân 47,8 CĐCS với 3.400 đoàn viên công đoàn. Về nghĩa vụ thu tài chính, bình quân 1 cán bộ chuyên trách phải thực hiện nhiệm vụ thu trong năm ước khoảng hơn 7,3 tỷ đồng, nếu chỉ riêng đội ngũ kế toán thì bình quân một năm, 1 kế toán phải thu gần 65 tỷ đồng. Điều này tạo áp lực rất lớn cho cán bộ công đoàn chuyên trách, đặc biệt là cán bộ tại cơ quan LĐLĐ quận, huyện, vì ngoài thực hiện nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Các đại biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Trần Thị Diệu Thúy cũng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có 43 cán bộ công đoàn chuyên trách, 6 công chức tiếp nhận từ thi tuyển công chức khối Đảng, Đoàn thể nghỉ việc, chuyển công tác. Điều này gây thiếu hụt cán bộ, nhưng LĐLĐ thành phố chưa thể bổ sung kịp thời vì nhiều lý do. Cũng theo Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, trong khi đó, nguồn cán bộ có kinh nghiệm từ thực tiễn tại các CĐCS, có kinh nghiệm xử lý các tình huống liên quan đến tranh chấp lao động... đa số chưa là công chức. Đây cũng là khó khăn rất lớn cho công tác cán bộ của LĐLĐ thành phố.
Để giải quyết được những thách thức trên, LĐLĐ TPHCM đề xuất 477 biên chế, tăng 77 biên chế so với số lượng được giao như hiện nay.
Đồng chí Trần Thị Diệu Thúy cũng đề xuất Ban Tổ chức Trung ương sớm ban hành hướng dẫn về việc giao và quản lý biên chế đối với LĐLĐ cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương. Đồng thời đề xuất Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu cơ chế tuyển dụng Chủ tịch, Phó Chủ tịch CĐCS giữ nhiệm vụ từ đủ 5 năm liên tục trở lên được xét tuyển dụng vào làm cán bộ công đoàn chuyên trách khi đáp ứng các tiêu chuẩn theo vị trí việc làm tuyển dụng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM cũng đề xuất Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM chấp thuận cho LĐLĐ thành phố được tuyển dụng hợp đồng lao động để bố trí làm công tác chuyên trách công đoàn tại CĐCS có từ 1.000 đoàn viên trở lên; kiến nghị Tổng LĐLĐ chấp thuận cho chi trả lương từ nguồn tài chính công đoàn.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu trao đổi cùng đoàn khảo sát. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu cũng phân tích quá trình hình thành số biên chế công đoàn trong các thời kỳ. Theo đó, TPHCM có đặc thù dân số đông, doanh nghiệp nhiều, lao động từ các tỉnh thành đến làm việc cao, do đó khối lượng công việc của cán bộ công đoàn lớn. Đồng chí cũng đề xuất cần có cơ chế giao biên chế để hoạt động công đoàn trong tình mới ngày càng thuận lợi hơn.
Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Quang Dương ghi nhận các kiến nghị của Thành ủy TPHCM và LĐLĐ TPHCM tại buổi làm việc. Đồng thời chia sẻ về việc thiếu nhân sự cán bộ công đoàn tại Công đoàn TPHCM. Tuy nhiên, việc giao biên chế phải dựa vào nhiều yếu tố khách quan khác và đảm bảo tính hài hòa, hiệu quả chung của bộ máy trên cơ sở tạo điều kiện để các tổ chức Đảng, đoàn thể hoạt động hiệu quả.