Mở đầu buổi làm việc, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, dựa trên tình hình thực tế là học sinh đã ở nhà học trực tuyến quá lâu, cùng với kết quả thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh của TPHCM, ngành giáo dục xác định đi học trở lại là yêu cầu bức thiết của học sinh.
Giai đoạn đầu tiên, TPHCM thí điểm dạy học trực tiếp tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ từ ngày 20-10 cho học sinh các khối 1, 2, 6, 9 và 12. Từ kết quả thí điểm tại xã đảo Thạnh An, trên cơ sở phân tích đánh giá tình hình dịch bệnh của TPHCM, UBND TPHCM đã cho phép triển khai dạy học trực tiếp cho học sinh hai khối 9 và 12 từ ngày 13-12-2021.
Sau đó, từ ngày 4-1-2022, TPHCM tiếp tục mở rộng đối tượng học sinh đến trường cho các khối 7, 8, 10 và 11, trung tâm ngoại ngữ, tin học và kỹ năng sống. Trong quá trình thực hiện, có xảy ra tình trạng “trễ nhịp” ở một số địa phương nhưng nhìn chung công tác phối hợp giữa hai ngành giáo dục và y tế khá tốt.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM xác định, dù đã triển khai dạy học trực tiếp ở một số khối lớp nhưng các trường đều triển khai song song hai hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến, tiếp tục dạy học trực tuyến cho những đối tượng học sinh chưa thể đến trường.
Đến nay, tỷ lệ học sinh đi học thực tế ở các khối lớp đạt hơn 90%, trong đó khối 12 đạt tỷ lệ 96,26% học sinh đến trường.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành giáo dục thẳng thẳn nhìn nhận, hiện nay còn tình trạng nhân viên y tế ở các trường học chưa đạt chuẩn theo quy định. Tại nhiều đơn vị, giáo viên phải kiêm nhiệm công tác y tế trường học khiến chất lượng chăm sóc chưa đạt hiệu quả.
Hiện nay, Sở GD-ĐT TPHCM đã có tờ trình về dạy học trực tiếp trên địa bàn, trong đó đề xuất sau Tết Nguyên đán năm 2022, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 vẫn đến trường bình thường. Song song đó, đối với các khối còn lại gồm mầm non, tiểu học và lớp 6, trường học chuẩn bị các điều kiện chuẩn bị đón học sinh trở lại từ ngày 14-2-2022 trên cơ sở đồng thuận của phụ huynh.
Ông Trịnh Duy Trọng khẳng định, các văn bản hướng dẫn của hai ngành giáo dục và y tế đều không cấm các hoạt động tổ chức căn tin, bán trú và nội trú trong trường học. Tuy nhiên, vì lý do an toàn nên các trường còn e dè trong triển khai các hoạt động này.
Tới đây, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ phối hợp Sở Y tế TPHCM tổ chức tập huấn cho các trường học về công tác tổ chức căn tin, bán trú, nội trú nhằm nỗ lực đưa các hoạt động trở lại “bình thường mới” trong cơ sở giáo dục.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng thông tin, hiện nay tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp của TPHCM cao nhất và đối tượng mở rộng nhất so với 62 tỉnh, thành còn lại trên cả nước. Trong đó, quy trình xử lý khi phát hiện F0 trong trường học đang triển khai khá tốt, chưa phát hiện ca lây nhiễm chéo trong trường học.
Riêng với khối các trung tâm ngoại ngữ, tin học và đào tạo kỹ năng sống, dù UBND TPHCM đã cho phép mở cửa hoạt động trở lại nhưng đến nay các cơ sở vẫn thận trọng trong việc chuẩn bị các điều kiện hoạt động trở lại.
Tại buổi làm việc, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, đối tượng học sinh tiểu học chưa được tiêm vaccine Covid-19 nên nếu tổ chức cho các em trở lại trường cần những biện pháp ứng phó linh hoạt hơn.
Ngoài ra, với đối tượng học sinh nhỏ tuổi, trường học cần khôi phục lại các hoạt động căn tin, bán trú để đáp ứng nhu cầu gửi con cả ngày của phụ huynh, không nên kéo dài tình trạng học sinh đến trường một buổi, buổi còn lại gia đình phải vất vả sắp xếp người đưa đón, không đảm bảo chất lượng bữa ăn trưa cho trẻ.
Trước thực tế trạm y tế địa phương nhiều nơi đang quá tải, trong khi đó đội ngũ nhân viên y tế trường học còn hạn chế, BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết, thành viên Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương đề xuất, trường học có thể cân nhắc ký hợp đồng với các bệnh viện, cơ sở y tế trú đóng trên địa bàn để đảm bảo các điều kiện chăm sóc sức khỏe học sinh.
Đặc biệt, đối với quy trình xử lý F0 trong trường học, nhiều trường hiện nay yêu cầu phụ huynh phối hợp test nhanh cho con tại nhà tạo thêm gánh nặng kinh tế (cụ thể là chi phí mua bộ kit test) cho phụ huynh.
Trong vai trò là một phụ huynh có con đang học phổ thông, BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết cho rằng, nếu học sinh phát hiện là F0 ngay thời điểm trường học tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ thì trường học cần linh động gia hạn thời gian kiểm tra hoặc tổ chức các hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp để đảm bảo quyền lợi học sinh.
Tuy nhiên, việc này cần có hướng dẫn thống nhất chung của Sở GD-ĐT TPHCM và áp dụng chung trong toàn TPHCM, tránh tình trạng mỗi trường một kiểu như hiện nay.
Ở góc độ rộng hơn, ngành giáo dục có thể cân nhắc tổ chức phòng thi riêng cho các trường hợp học sinh là F0 không triệu chứng, đặc biệt đối với các kỳ thi quan trọng là tuyển sinh lớp 10 và tốt nghiệp THPT theo tinh thần sống chung với F0 chứ không nên bị động, tạo tâm lý hoang mang cho phụ huynh.
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cũng quan tâm đến việc cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp sau thời gian trưng dụng phòng chống dịch bệnh, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đón học sinh các khối lớp còn lại đến trường sau Tết Nguyên đán cũng như các biện pháp đảm bảo sức khỏe cho nhóm học sinh độ tuổi nhỏ hơn được đến trường.