Sáng 25-3, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cho biết, sau khi hoàn trả mặt bằng thi công tuyến đường sắt đô thị trên trục đường Lê Lợi, Ban Quản lý đường sắt đô thị đã tái lập mặt đường, lát lại vỉa hè, trả lại giao thông thông thoáng. Tuy nhiên, cảnh quan và các tiện ích cho người dân TPHCM và khách du lịch đi bộ chưa đáp ứng nhu cầu.
Với tính chất là trục đường thương mại dịch vụ, đường Lê Lợi thường xuyên là nơi dừng chân của du khách du lịch và là cầu nối giữa các công trình trọng điểm của thành phố như chợ Bến Thành, Nhà hát lớn Thành phố và phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Thiết kế mái che thay thế cây xanh trên đường Lê Lợi. Ảnh: QUỐC HÙNG |
Sở QH-KT TPHCM cho rằng, với hiện trạng không thể bố trí ngay cây và mảng xanh đủ lớn, đủ dày để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước nên giải pháp hiện nay là tăng cường mái che che nắng, che mưa, vừa tạo không gian đi bộ thuận lợi cho hoạt động thương mại - du lịch bên phần đường Lê Lợi cùng hướng với chợ Bến Thành.
Về phương án thiết kế mái che kết nối mặt đứng kiến trúc các dãy nhà phố, đồng bộ cách bố trí các biển quảng cáo cũng như màu sắc, tạo thành một thể thống nhất chạy xuyên suốt trục đường. Mái che với kết cấu khung sắt lợp tôn và đóng trần phía dưới.
Kích thước mái che dọc hai bên vỉa hè mỗi bên trung bình (5,5 - 6m). Kinh phí ước tính khoảng 20 đến 30 tỷ đồng (bao gồm chi phí vật tư, nhân công, thi công...). Quận 1 xin ý kiến UBND TPHCM về nguồn xã hội hóa, đóng góp từ các hộ kinh doanh có liên quan (được thụ hưởng từ việc lắp mái che) để thực hiện hoặc từ nguồn ngân sách địa phương.
Đường Lê Lợi sau khi tái lập mặt đường không còn đủ không gian để trồng cây xanh. Ảnh: QUỐC HÙNG |
Theo Sở QH-KT TPHCM, với tầm quan trọng là tuyến đường trọng điểm trong khu vực trung tâm thành phố, cần thiết phải thiết kế cảnh quan phù hợp nhằm tăng tính hấp dẫn, tiện ích cho người dân, tạo không gian thương mại mua sắm dọc phố sinh động. Ngoài ra còn hướng tới mục tiêu đồng bộ với các tuyến đường xung quanh như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi thành không gian đi bộ lớn của thành phố đảm bảo tính hiện đại, bảo tồn các kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử, Sở QH-KT TPHCM đề xuất UBND TPHCM chỉ đạo quận 1 tập trung quan tâm nghiên cứu và đề xuất giải pháp, kinh phí thực hiện.
Trước đó, quận 1 có văn bản thống nhất và ủng hộ phương án Sở QH-KT TPHCM hỗ trợ nghiên cứu. Tuy nhiên, nguồn ngân sách cũng như việc kêu gọi xã hội hóa của quận 1 gặp khó khăn, nên chưa thể thực hiện.