Trước đó, Sở này đã tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TPHCM ban hành Nghị quyết số 09/NQ-HĐND (ngày 8-7-2022) về ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn TPHCM.
Đó là cơ sở để thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo nâng chuẩn trình độ đào tạo cho giáo viên.
Sau khi thống kê số lượng giáo viên mầm non, tiểu học, THCS tham gia nâng trình độ chuẩn được đào tạo giai đoạn 2021-2025, Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất UBND TPHCM chấp thuận chủ trương giao cho Trường Đại học Sài Gòn thực hiện nhiệm vụ đào tạo nâng chuẩn trình độ của giáo viên các bậc mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Trường Đại học Sài Gòn là đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc UBND TPHCM. Đề xuất này theo Sở GD-ĐT TPHCM là phù hợp và đúng theo năng lực đào tạo, chất lượng đào tạo của Trường Đại học Sài Gòn.
Nếu UBND TPHCM thống nhất chủ trương nói trên, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ phối hợp với Trường Đại học Sài Gòn xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, Sở Tài chính được đề xuất nhiệm vụ tham mưu bố trí dự toán kinh phí ngân sách nhà nước hàng năm thực hiện đào tạo nâng chuẩn trình độ đào tạo cho giáo viên.
Kế hoạch được đề xuất thực hiện đối với giáo viên, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục.
Cụ thể, đối tượng tham gia nâng chuẩn trình độ gồm giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên và tính từ ngày 1-7-2020 còn đủ 7 năm công tác đến tuổi nghỉ hưu theo quy định; giáo viên dạy cấp tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1-7-2020 còn đủ 8 năm công tác đối với giáo viên có trình độ trung cấp và đủ 7 năm công tác đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Các giáo viên THCS chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, tính từ ngày 1-7-2020 còn đủ 7 năm công tác cũng là đối tương được nâng chuẩn trình độ.
Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, việc xác định đối tượng và tổ chức thực hiện nâng chuẩn trình độ của giáo viên phải bảo đảm phù hợp với thực trạng đội ngũ giáo viên và điều kiện của các cơ sở giáo dục, không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy.
Lộ trình thực hiện nâng chuẩn trình độ giáo viên cần đảm bảo khách quan, công khai, công bằng và hiệu quả.
Hiện nay, tính đến cuối năm học 2021-2022, bậc mầm non còn 2.470 giáo viên, tiểu học còn 2.477 giáo viên và THCS còn 1.184 giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 1 (từ ngày 1-1-2021 đến hết 31-12-2025), thành phố bảo đảm ít nhất 60% giáo viên mầm non được cấp bằng cao đẳng sư phạm hoặc cử nhân; ít nhất 50% giáo viên tiểu học và 60% giáo viên THCS được cấp bằng cử nhân.
Kinh phí thực hiện nâng chuẩn trình độ cho giáo viên giai đoạn 2021-2025 được lấy từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí khác theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 71/2020/NĐ-CP (ngày 30-6-2020) của Chính phủ.
Các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để chi trả các chế độ cho giáo viên được cử đi đào tạo nâng chuẩn trình độ.
Bên cạnh đó, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện có trách nhiệm quản lý, theo dõi và đánh giá kết quả đào tạo của cán bộ quản lý và giáo viên tại địa phương, tổ chức sơ kết, tổng kết và rút kinh nghiệm, báo cáo kết quả định kỳ thực hiện.