Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, đây là nhóm lao động yếu thế, công việc và thu nhập bấp bênh, không ổn định. Họ không sử dụng công nghệ để tìm kiếm khách, mà chủ yếu hoạt động tại các địa điểm cố định như chợ, bến xe, các dịch vụ lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, các địa điểm vui chơi, giải trí, các địa điểm du lịch, tham quan, sân khấu ca nhạc, sân khấu kịch, phố đi bộ, chợ đêm, công viên công cộng… Đây là những điểm phải dừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội để kiểm soát dịch Covid-19.
Trong thời gian giãn cách, nhóm lao động này cơ bản bị mất việc làm, thu nhập thấp hơn mức sống tối thiểu, hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, trong năm 2020, nhóm lao động này cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Số lượng lao động tự do là người chạy xe ôm truyền thống 2 bánh (trừ xe công nghệ), xe xích lô chở khách là khoảng 34.000 người theo thống kê sơ bộ của TP Thủ Đức và các quận, huyện.
Đề xuất của Sở LĐTB-XH trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các quận huyện, TP Thủ Đức và các cơ quan truyền thông. Theo Nghị quyết 09 mà HĐND TPHCM vừa thông qua, các lao động tự do được xác định là người làm một trong 6 công việc:
1- Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định (buôn gánh bán bưng); 2- Thu gom rác, phế liệu; 3- Bốc vác, chuyển hàng bằng xe ba gác, xe thô sơ; 4- Bán vé số lưu động; 5- Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); 6- Làm công việc thuộc các ngành nghề, lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TPHCM để phòng chống dịch Covid-19.
Mỗi lao động được hỗ trợ 50.000 đồng/ngày trong thời gian giãn cách xã hội. Hiện các quận huyện, TP Thủ Đức đang triển khai chi trả cho các lao động tự do, với mức 1,5 triệu đồng/người.