Theo đó, qua thống kê sơ bộ, hầu hết các trường phổ thông trên địa bàn TP đã triển khai đa dạng các hình thức dạy học với trên 80% học sinh tham gia (tỉ lệ tăng dần theo các cấp học, khối lớp 12 đạt trên 96%).
Riêng học sinh lớp nhỏ (lớp 1, 2) gặp khó khăn do cần sự hướng dẫn, kèm cặp của phụ huynh. Các trường đã áp dụng hình thức phiếu giao nhiệm vụ, kết hợp các đoạn phim bài giảng, trường hợp áp dụng dạy học trực tuyến thực hiện cuối giờ chiều để phụ huynh hỗ trợ con.
Việc chuyển tài liệu học tập đến phụ huynh khá đa dạng. Đặc biệt ở bậc mầm non, giáo viên cũng thực hiện nhiều đoạn phim ngắn, hướng dẫn trẻ kỹ năng, nhất là những kĩ năng cần thiết để trẻ vào lớp 1.
Khối THPT sử dụng nhiều phương pháp dạy học trực tuyến. Tuy còn khó khăn do tốc độ đường truyền tại các gia đình cũng như hiện tượng bị quá tải tạm thời khi lượng truy cập tăng vọt nhưng đã khắc phục đáng kể so với năm 2020.
Nhìn chung, tình hình dạy học trên internet được các trường thực hiện linh hoạt và hiệu quả. Ngành giáo dục TP vẫn đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình năm học theo kế hoạch.
Sở GD-ĐT TPHCM nhận thấy, hiện nay nhu cầu cho trẻ đến trường của phụ huynh là rất lớn, đặc biệt phụ huynh khối mầm non có nhu cầu gửi trẻ đến trường, các nhóm lớp… nhằm ổn định công việc.
Căn cứ tình hình công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay của TP, Sở GD-ĐT TP nhận thấy việc học sinh quay trở lại trường từ ngày 1-3 là phù hợp.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của TP, từ ngày 2-2, học sinh dừng đến trường và chuyển sang học trên internet. Sở đã ban hành các văn bản yêu cầu trường học cập nhật đối tượng F0, F1, F2 và khai báo y tế khi học sinh đi học trở lại sau Tết.
Bắt đầu từ ngày mùng 6 Tết Nguyên đán, cán bộ, chuyên viên Sở GD-ĐT TP đã đi cơ sở, nắm tình hình tổ chức dạy học trên internet để hỗ trợ giáo viên các trường học.