Chiều 22-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong báo cáo, TP vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, hiện chỉ còn 2/54 ca mắc Covid-19 đang điều trị. Sau 22 ngày cách ly xã hội, TPHCM có 19 ngày liên tiếp không phát hiện ca mắc mới, đó là tiền đề quan trọng để TP công bố hết dịch khi đủ 28 ngày liên tiếp không có ca mắc mới trên địa bàn.
Kết quả phòng chống dịch hiệu quả, nhưng theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, TPHCM phải đối mặt với những thách thức đối với vấn đề phát triển kinh tế. Chỉ số tăng trưởng trong quý 1 của TP chưa phản ánh hết những khó khăn trong các mặt của kinh tế TP. Nửa quý 1, kinh tế TP vẫn chưa bị tác động nhiều, kể cả các yếu tố bên ngoài. Chỉ bắt đầu từ tháng 4, các đơn hàng xuất khẩu bị trì hoãn, nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường xuất khẩu lớn của TP bắt đầu suy giảm.
TP dự báo dịch bệnh sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế bắt đầu từ quý 2. Vì vậy, để bảo đảm cho nền kinh tế phát triển ổn định và không bị đổ gãy trong điều kiện mới, TP đã chủ động xây dựng các chính sách, cơ chế để vực dậy nền kinh tế khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP có chuyển biến tốt hơn, nới lỏng từng bước nhưng phải kiểm soát đúng mức để không có tình trạng chủ quan, coi thường dịch bệnh.
Cụ thể đối với công tác dự phòng, TP vẫn kiên trì nguyên tắc chống dịch và phương châm 5 tại chỗ. TPHCM cảnh giác cao, không chủ quan, lơ là, tiếp tục thực hiện công tác dự phòng, giám sát ở các nơi có nguy cơ, nhất là khu lưu trú của công nhân, khu vực có nhiều nhà trọ, người nước ngoài lưu trú tại TP, các cơ sở bảo trợ xã hội. Tăng cường các biện pháp kiểm soát, phân luồng ở các cơ sở khám chữa bệnh, kịp thời phát hiện ca mắc mới, truy vết, khoanh vùng, cách ly... Tái sắp xếp các khu cách ly tập trung chuẩn bị cho giai đoạn mới. Tăng cường đầu tư cho y tế, nhất là các lĩnh vực y tế dự phòng, TPHCM cho rằng đây là mặt có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế hiện nay.
Về vực dậy kinh tế trong điều kiện dịch bệnh phức tạp trên thế giới, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng TPHCM là một đô thị đặc biệt, bị tác động không ngừng nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục phức tạp. Do đó, để giảm thiểu tác động của dịch, ngoài bộ chỉ số đánh giá tác động rủi ro của doanh nghiệp (DN) đã triển khai ngày 6-4, TPHCM sẽ tiếp tục xây dựng 7 bộ chỉ số để kiểm soát tình hình dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế trong điều kiện mới.
Cụ thể là bộ chỉ số an toàn trong trường học, trong ngành văn hóa thể thao, giao thông vận tải, du lịch, công thương, vệ sinh thực phẩm, các khu vực công cộng. Các bộ chỉ số này sẽ ban hành trước ngày 30-4, trong đó quy định trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị, chủ DN trong điều kiện tình hình mới.
“Cách làm của TP sẽ thận trọng, nới lỏng từng bước, tham vấn nhiều chiều, đặc biệt sẽ thí điểm sau đó mới triển khai nhân rộng nhằm bảo đảm cho DN phát triển nhưng cũng bảo đảm mục tiêu phòng chống dịch”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Ngoài chính sách chung của Chính phủ, TPHCM cũng đang xây dựng các chính sách đặc thù để tiếp thêm sức mạnh cho DN và người dân như gói hỗ trợ trực tiếp cho người dân để giảm bớt khó khăn, hỗ trợ trực tiếp cho người lao động bị mất việc làm ở các cơ sở sản xuất, gói bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm hàng hóa thiết yếu; gói giảm khó khăn, tăng cường sức chịu đựng cho DN, chuẩn bị điều kiện để phục hồi nhanh sau dịch; thúc đẩy kinh tế số trong điều kiện dịch bệnh.
TPHCM cho rằng các cơ chế chậm ngày nào thì người dân, DN khó khăn ngày đó. Vì vậy với tinh thần kiên định, thần tốc như thời chiến, để bảo đảm triển khai hiệu quả các chính sách trên, TPHCM kiến nghị Thủ tướng xem xét 2 nội dung.
Thứ nhất, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn đã cơ bản được kiểm soát, để thực hiện mục tiêu kép, TPHCM đề xuất cho phép TP thực hiện phòng chống dịch theo Chỉ thị 15 từ 0 giờ ngày 23-4. Trong quá trình thực hiện, trên cơ sở diễn biến của thực tế, TP sẽ có điều chỉnh phù hợp.
Thứ hai, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", mọi người dân là chiến sĩ trên mặt trận đó; cùng với đó, phát triển mặt trận kinh tế, doanh nhân là chiến sĩ, để thực hiện mục tiêu kép, TPHCM kiến nghị Thủ tướng sớm tổ chức hội nghị toàn quốc của Chính phủ với DN để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
TPHCM kiến nghị quan tâm 2 vấn đề: Thủ tướng chỉ đạo từng địa phương thống kê thiệt hại dịch bệnh, trên cơ sở đó ban hành gói kinh tế đủ mạnh để làm đòn bẩy vực dậy nền kinh tế. Bên cạnh đó, cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam cần được triển khai mạnh mẽ, thiết thực, sáng tạo hơn nữa để tiếp tục khơi dậy niềm tự hào dùng hàng Việt của người Việt Nam trong điều kiện hiện nay. Trường hợp cần thiết đề xuất Chính phủ xem xét hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng mà DN trong nước có thể sản xuất được để giúp DN mở rộng thị trường nội địa.
Về giáo dục, TPHCM đề nghị Bộ GD-ĐT sớm thông báo cho các địa phương để nghiên cứu và góp ý cụ thể về phương án cho học sinh đi học trở lại và thi THPT.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị và nhân dân TPHCM sẽ vào cuộc quyết liệt phòng chống dịch hơn nữa, đồng thời quan tâm đến phát triển kinh tế để hoàn thành cao nhất kế hoạch đã đề ra.
Sau khi nghe TPHCM báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thành công của TPHCM trong phòng chống dịch, một đô thị đông dân nhưng 19 ngày liên tiếp không có ca mắc mới Covid-19. Thủ tướng đề nghị TPHCM tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 đến 0 giờ ngày 23-4, bảo đảm tốt an ninh trật tự xã hội.