Sáng 6-11, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tổ chức phiên họp trực tuyến thứ 18 với 63 tỉnh/thành trên cả nước theo Công điện số 148/CĐ-VPCP ngày 31-10-2022 của Văn phòng Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ở đầu cầu Thủ đô Hà Nội. Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện các bộ ngành; lãnh đạo các địa phương trên cả nước.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chủ trì tại điểm cầu TPHCM.
TPHCM có 7 ca Covid-19 phải thở máy
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19; dịch sốt xuất huyết và công tác tiêm vaccine trên địa bàn TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, công tác phòng chống dịch Covid-19 và sốt xuất huyết được thành phố kiểm soát tốt trong thời gian qua.
Tuy nhiên, do một bộ phận người dân lơ là, chủ quan, chưa đồng thuận cho con em mình tiêm vaccine Covid-19, cùng với đó là thiếu một số loại vaccine khác nên những trẻ béo phì, đặc biệt là trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa được tiêm chủng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao.
Đối với trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, thành phố đã tiêm được 1.754.601 mũi (760.581 mũi 1, đạt 100%); 728.611 mũi 2 (99%); 265.409 mũi nhắc 1 (36,0%) thấp hơn 28% so với trung bình cả nước là 64%. Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tiêm được 814.826 mũi (522.619 mũi 1, đạt 63,0%, nhưng thấp hơn 26,1% so với trung bình cả nước là 89,1%; 292.207 mũi 2 (35,2%) thấp hơn 27% so với trung bình cả nước là 62,2%.
Về tiêm chủng mở rộng, tính đến hết tháng 9, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi (trẻ sinh 2021 là 86.557 trẻ); Số trẻ đã tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine là 66.418 trẻ (đạt 76,7% thiếu 18,3% so với chỉ tiêu cần đạt 95%).
Đối với tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại cho trẻ 18 tháng tuổi (sinh 2020) là 97.502 trẻ. Trong đó, mũi tiêm sởi 2 là 77.407 trẻ, đạt tỷ lệ 79,4% và đã tiêm DPT4 là 75.497 trẻ (đạt 77,4%), thiếu 15,6% và 7,6% so với chỉ tiêu cần đạt ≥95% và 85%...
“TPHCM dù đã kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị thành phố đã và luôn cảnh giác trước dịch bệnh, tiếp tục vận dụng, đẩy mạnh nhiều giải pháp để tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm chủng để mỗi một người dân khỏe mạnh, cộng đồng sẽ khỏe mạnh”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định.
Liên quan số ca mắc Covid-19, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết trong tháng 10, thành phố có 1.171 ca mắc mới Covid-19 được công bố (tháng 9 có 2.243 ca). Từ đầu năm đến tháng 10, tổng số ca bệnh được công bố là 116.377, trong đó có 409 ca nhập cảnh.
Số ca nhập viện trong tuần cuối tháng 10 là 159 ca (tăng 35 ca so với tuần trước đó), trung bình mỗi ngày có 23 ca nhập viện. Tính đến hết ngày 3-11, có 424 ca đang cách ly tại nhà, 162 ca đang điều trị tại bệnh viện, trong đó 44 ca nặng (cần hỗ trợ hô hấp), trung bình 40 ca nặng/ngày trong 7 ngày qua (so với 32 ca nặng/ngày trong tuần trước đó). Hiện có 7 ca thở máy, 0 ca lọc máu, 0 ca ECMO.
Về dịch sốt xuất huyết, trong tháng 10, thành phố có 9.015 ca sốt xuất huyết (giảm 20% so với tháng 9). Cộng dồn đến tháng 10, TPHCM có 70.769 ca mắc (tăng 631,1% so với cùng kỳ năm 2021); tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2019. Số ca nhập viện trong tuần cuối tháng 10 là 1.344 ca (giảm 154 ca so với tuần trước đó), trong đó có 337 ca lưu trú tại tỉnh khác chiếm tỷ lệ 25,07%.
Có 966 ca sốt xuất huyết Dengue đang điều trị tại bệnh viện, trong đó 148 ca có địa chỉ lưu trú tại tỉnh khác chiếm 15,32%; có 4 ca sốt xuất huyết tử vong (giảm 3 ca so với tháng 9). Thành phố có trên 12.679 điểm nguy cơ (651 điểm nguy cơ bị xử phạt theo Nghị định số 117). Tỷ lệ giám sát ở nhóm 2 và 3 chưa đạt chỉ tiêu hàng tháng.
Bên cạnh đó, về các bệnh truyền nhiễm khác, như dịch tay chân miệng, thành phố đã ghi nhận 17.091 ca mắc (tăng 75,3% so với cùng kỳ 2021). Không có ca tử vong từ đầu năm đến nay; Phát hiện 2 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Các trường hợp này đều có yếu tố dịch tễ tiếp xúc ca bệnh ở nước ngoài (Dubai). Ghi nhận 4 ca mắc sốt rét ngoại lai (3 ca sốt rét ác tính và 1 ca sốt rét thường). Không có ca sốt rét nội tại từ năm 2011 đến nay.
Trong tháng 10, không ghi nhận ca sốt phát ban sởi (tháng 9 ghi nhận 1 ca). Cộng dồn tháng 10, ghi nhận 14 ca, giảm 6,7 % so với cùng kỳ năm 2021 (15 ca). Chưa ghi nhận ca viêm gan cấp không rõ nguyên nhân.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cũng nêu khó khăn về nguồn cung các loại vaccine của thành phố đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Theo đó, từ tháng 5-2022 đến nay, tình hình cung ứng vaccine tiêm chủng mở rộng (TCMR) từ Chương trình tiêm chủng Quốc gia bị gián đoạn. Cụ thể, vaccine sởi và bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) đã ngừng cấp từ tháng 5 nên hiện nay, TPHCM không còn 2 loại vaccine này; vaccine sởi - rubella (MR) hết từ ngày 6-10; vaccine viêm não Nhật Bản (VNNB) và bại liệt uống (bOPV) hết từ cuối tháng 10; vaccine lao và DPT-VGB-Hib (SII) dự kiến hết từ giữa tháng 12-2022.
“Sở Y tế TPHCM đã có văn bản số 4415/SYT-NVY ngày 29-6-2022 về việc báo cáo tình hình cung ứng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại thành phố và Công văn số 5542/SYT-NVD ngày 12-8-2022 về tình hình cung ứng vaccine sởi và DPT gửi đến Bộ Y tế nhưng chưa nhận được văn bản phản hồi của bộ”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhắc lại, đồng thời báo cáo thêm rằng Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị với Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, yêu cầu Bộ Y tế sớm cung ứng đầy đủ các vaccine thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, đã được quy định tại Thông tư 38/2018/TT-BYT ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vaccine sinh phẩm y tế bắt buộc.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cũng nêu thực trạng, nếu tình trạng gián đoạn cung ứng vaccine vẫn tiếp diễn có thể xảy ra một số dịch bệnh nguy hiểm trên trẻ nhỏ như sởi, bạch hầu, ho gà... Trong đó, sởi là dịch bệnh có nguy cơ xảy ra cao nhất và sớm nhất, vì theo ghi nhận của ngành y tế, dịch sởi ở nước ta thường xảy ra mỗi 4 năm (dịch sởi gần nhất là từ tháng 10-2018 và kéo dài đến hết tháng 5-2019).
Bên cạnh đó, với sự xuất hiện những biến thể phụ mới của Omicron và dịch bệnh lưu hành sốt xuất huyết, TPHCM tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nguy cơ dịch chồng dịch; nguy cơ thiếu thuốc, vật tư y tế; biến động nguồn nhân lực y tế.