Chiều 21-7, tại TP Cần Thơ, UBND TPHCM phối hợp với UBND các tỉnh thành vùng ĐBSCL tổ chức Hội nghị công bố kế hoạch triển khai Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh thành phố vùng ĐBSCL năm 2023 và giai đoạn 2024-2025.
Mời gọi nhà đầu tư từ TPHCM
Thỏa thuận hợp tác đã được UBND TPHCM và 13 tỉnh thành ĐBSCL ký kết vào ngày 11-3 tại tỉnh Bến Tre.
Theo thỏa thuận hợp tác, trong năm 2023, TPHCM sẽ phối hợp với các tỉnh thành vùng ĐBSCL tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng, kết nối doanh nghiệp TPHCM có nhu cầu sản xuất, đầu tư kinh doanh tại các địa phương; chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư - thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Hội nghị diễn ra tại TP Cần Thơ, với sự tham gia của lãnh đạo tất cả các địa phương ĐBSCL và TPHCM. Ảnh: MAI HOA |
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh thành ĐBSCL đều thống nhất với kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác và đề xuất thêm các lĩnh vực hợp tác dựa trên thế mạnh của địa phương mình.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường khẳng định, Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL luôn xác định việc hợp tác phát triển với TPHCM là hướng đi cơ bản, đúng đắn, tạo động lực, sức bật mạnh mẽ thúc đẩy phát triển, cũng như mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư và giữa các địa phương trong vùng với TPHCM.
Lãnh đạo TP Cần Thơ đề nghị tiếp tục được hợp tác với TPHCM về phát triển Vườn ươm công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc; phát triển du lịch, đào tạo nhân lực theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản, du lịch chất lượng cao, xuất khẩu lao động…
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng nêu tiềm năng của địa phương là quỹ đất phát triển công nghiệp còn rất lớn, sản phẩm trái cây, hoa màu rất dồi dào, là nguồn cung lớn cho thị trường TPHCM thời gian qua. Ngoài ra, Tiền Giang cũng đang có kế hoạch thành lập một cụm y tế chuyên sâu với quỹ đất 30ha, mong muốn TPHCM giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng cho tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Huỳnh Chí Nguyện cũng nêu mong muốn tăng cường hợp tác về lĩnh vực y tế. Ngoài ra, Bạc Liêu là vùng nuôi tôm đứng top đầu cả nước về cả diện tích và sản lượng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân đề xuất mỗi năm một tỉnh nên có một hoạt động lớn để thúc đẩy hợp tác…
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu. Ảnh: MAI HOA |
TPHCM chịu trách nhiệm về chi phí, mời tư vấn nhiều dự án
Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho biết, phát huy vai trò trung tâm động lực của vùng ĐBSCL, Cần Thơ đang tập trung tăng cường kết nối giao thông về cảng, logistics, tập trung vào thế mạnh của mình. Ngoài 900ha phát triển khu công nghiệp VSIP, Cần Thơ đang quy hoạch vùng hơn 3.000 ha phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Cần Thơ đang cố gắng mời gọi được các nhà đầu tư lớn cho các lĩnh vực dịch vụ cao cấp, như nhà hàng khách sạn, trung tâm thương mại, bệnh viện chuyên sâu, đầu tư các khu công nghiệp lớn. Đồng thời, tập trung phát triển hệ thống cảng biển để đáp ứng nhu cầu vận tải quy mô lớn, nhất là gắn với các khu công nghiệp.
Cùng chung tâm huyết của các địa phương, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, cách làm đối với tuyến đường bộ ven biển TPHCM - ĐBSCL và kết nối đường thủy TPHCM - ĐBSCL cũng sẽ tương tự dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ. Cụ thể, TPHCM sẽ chịu trách nhiệm mời tư vấn nghiên cứu bài bản, cũng như chi phí nghiên cứu, tư vấn.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MAI HOA |
Đồng thời, TPHCM cũng đề nghị tỉnh Tiền Giang quan tâm đến tuyến phà biển Gò Công - Cần Giờ, sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển và phát triển du lịch.
Việc kết nối cung cầu giữa TPHCM - ĐBSCL nhận được nhiều ý kiến góp ý tại hội nghị. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng cả TPHCM và ĐBSCL phải cùng xây dựng bộ hồ sơ kêu gọi đầu tư đầy đủ, tương đồng, để nhà đầu tư có thông tin cơ bản, quyết định. Sự hợp tác này phải dựa trên thống nhất nhận thức rằng Cần Thơ có vai trò trung tâm, đầu tàu của vùng ĐBSCL để tránh tình trạng manh mún.
Ngoài tổ điều phối gồm thường trực UBND TPHCM và các tỉnh thành, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị lập thêm các tổ chuyên ngành gồm lãnh đạo cấp sở ngành để thúc đẩy hợp tác.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng kêu gọi các doanh nghiệp TPHCM đầu tư vào các tỉnh thành ĐBSCL và doanh nghiệp ĐBSCL đầu tư vào TPHCM. TPHCM sẽ có cơ chế mời gọi các nhà đầu tư cho những lĩnh vực tiềm năng của cả TPHCM và ĐBSCL.
Bên lề hội nghị này, các sở ngành của TPHCM còn tổ chức các hội nghị ký kết thỏa thuận hợp tác ngành y tế giữa TPHCM và các tỉnh thành ĐBSCL, kết nối giao thương TPHCM - Cần Thơ và tọa đàm về Dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ.
Lãnh đạo TPHCM và các tỉnh thành dự hội nghị. Ảnh: MAI HOA |
Hợp tác mở rộng cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận
Trong năm 2024-2025, TPHCM và các tỉnh thành ĐBSCL sẽ tập trung hợp tác trên 5 lĩnh vực. Cụ thể:
1. Phát triển hạ tầng giao thông: Phối hợp Bộ GTVT triển khai dự án mở rộng đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận; dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ. Nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ ven biển TPHCM - ĐBSCL; tăng cường kết nối đường thủy TPHCM - ĐBSCL.
2. Phát triển du lịch: Tổ chức các diễn đàn liên kết phát triển du lịch, các chương trình du lịch liên kết, phối hợp đào tạo nguồn nhân lực du lịch...
3. Hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu: Tổ chức hội thảo hợp tác quốc tế về giải pháp canh tác mới. Hình thành hành lang đa dạng sinh học kết nối Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau - sân chim Đầm Dơi - Thạnh Phú - Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; hình thành trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học tại Phú Quốc.
4. Phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số: Tổ chức hội thảo về phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh có tính đến liên kết bền vững. Xây dựng đề án khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
5. Phát triển lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động: Đề án hợp tác chuyển giao kinh nghiệm khám chữa bệnh, điều trị chuyên sâu, hội chẩn từ xa, nâng cao năng lực y tế cơ sở...