Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm (ảnh) chia sẻ với PV Báo SGGP về việc triển khai đưa Nghị quyết XI của Đảng bộ TPHCM và Nghị quyết VII của Đảng bộ Sở GTVT TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025 vào cuộc sống.
Ưu tiên kết nối vùng
* PHÓNG VIÊN: Cụ thể, kế hoạch xác định sẽ tập trung đầu tư thực hiện những dự án, công trình trọng điểm nào, thưa ông?
* ÔNG TRẦN QUANG LÂM: TPHCM đã xác định danh mục những công trình, dự án trọng điểm, cấp bách cụ thể sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.
Riêng năm 2021, các công trình, dự án trọng điểm cấp bách dự kiến hoàn thành là: 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, sửa chữa và nâng cấp tỉnh lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh), cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), xây mới cầu Hang Ngoài (quận Gò Vấp)…
* Nghị quyết XI của Đảng bộ TPHCM xác định đẩy mạnh liên kết vùng, nội dung này được Sở GTVT TPHCM tham mưu và cụ thể hóa bằng việc triển khai các công trình, dự án nào?
* Các dự án kết nối vùng đã được lên danh mục cụ thể, gồm: cầu Cát Lái, đường trên cao đi dọc theo đường tỉnh 25C, vượt sông Đồng Nai; trục động lực kết nối TPHCM - Long An - Tiền Giang; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa; cao tốc TPHCM - Mộc Bài…
Xét đến liên kết vùng thì việc đầu tư, hoàn thiện Vành đai 3 là ưu tiên số 1. Đây là tuyến kết nối vùng và có vai trò rất quan trọng đối với TPHCM. Nếu không phát triển Vành đai 3, quốc lộ 1 qua TPHCM sẽ quá tải nghiêm trọng từ miền Đông sang miền Tây, đồng thời tạo ra điểm nghẽn trong giao thương của vùng. Điều này vô tình tác động, dẫn đến các tuyến cao tốc đã và đang được đầu tư như TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, TPHCM - Trung Lương, Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây, TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành… không phát huy hiệu quả tốt.
Vì tính chiến lược của tuyến Vành đai 3, TPHCM đã nhiều lần kiến nghị Trung ương để thúc đẩy dự án. Đồng thời, Sở GTVT TPHCM tham mưu và TPHCM đã chủ động đề xuất Trung ương được phép ứng vốn (theo Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM) để giải tỏa mặt bằng rồi triển khai thi công, sau đó Trung ương hoàn trả sau. Tuy nhiên, Bộ GTVT chưa tìm được nguồn đầu tư toàn bộ dự án, nên tuyến Vành đai 3 chưa được hoàn thành theo đúng quy hoạch.
Mới đây, TPHCM tiếp tục kiến nghị Trung ương về việc xác định hình thức, phương thức đầu tư, phần nào do nguồn vốn của Trung ương đầu tư, phần nào do địa phương đầu tư, cũng như cơ quan chủ trì thực hiện đối với từng đoạn. TPHCM sẽ tiếp tục kiến nghị và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương liên quan sớm triển khai đầu tư tuyến đường Vành đai 3 này.
Điều chỉnh cách làm, thúc đẩy tiến độ dự án
* Nhưng vì sao nhiều dự án của TPHCM dù đã có quyết định, có nguồn vốn đầu tư, đơn cử như đường Vành đai 2, mà vẫn cứ chậm hoàn thành, thưa ông?
* Trên thực tế có dự án đã có quyết định đầu tư, nguồn vốn đầu tư, đặc biệt đối với đường Vành đai 2 HĐND TPHCM có hẳn nghị quyết, mà quá trình đầu tư vẫn gặp vướng. Ban đầu, dự án thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) nhưng gặp trở ngại nên TPHCM chuyển sang đầu tư bằng ngân sách. Tuy nhiên, việc bố trí vốn từ nguồn ngân sách phụ thuộc rất lớn vào khả năng cân đối vốn TPHCM cũng như ưu tiên của từng dự án.
Trong phạm vi của TPHCM, khép kín Vành đai 2, đặc biệt ở khu vực phía Đông của TPHCM, là quan trọng số 1. Do đó, dự án Vành đai 2 sẽ là 1 trong những dự án được ưu tiên đầu tiên sử dụng nguồn thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển trên địa bàn TPHCM (thu từ tháng 7-2021).
* Nhiều công trình ở TP Thủ Đức hội đủ các điều kiện thuận lợi (như đường Lương Định Của, cầu Nam Lý, cầu Long Đại…) nhưng vẫn ì ạch, giải pháp khắc phục vấn đề này ra sao?
* Vướng mắc chính là chậm trễ giải phóng, bàn giao mặt bằng, chứ không phải là do vốn, kỹ thuật hay giải pháp thi công.
Để khắc phục tình trạng này, Sở GTVT đã tham mưu UBND TPHCM ban hành danh mục các công trình trọng điểm trong từng năm, giai đoạn 5 năm, 10 năm, để TPHCM chỉ đạo địa phương cùng các sở ngành, đặc biệt là Sở TN-MT, Sở Xây dựng tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải quyết tái định cư để có mặt bằng thi công.
Một điểm nhấn quan trọng mà Sở GTVT đề xuất UBND TPHCM là xác định rõ vai trò, trách nhiệm, công việc cụ thể của các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức, UBND các quận, huyện cùng đơn vị liên quan. Điều này nhằm đảm bảo thực hiện, hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của đề án phát triển giao thông của TPHCM.
Bản thân Sở GTVT cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với các địa phương, như mới đây lãnh đạo sở có buổi làm việc chuyên đề với lãnh đạo TP Thủ Đức, tập trung ưu tiên số 1 vào công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là ở các dự án dở dang.
Nhiệm vụ đặt ra là trong 1-2 năm sẽ tạo được sự thay đổi, chuyển biến về diện mạo hạ tầng đô thị, theo định hướng của TP Thủ Đức, giảm ùn tắc, tai nạn và đáp ứng được nhu cầu, mong mỏi của người dân.
Theo Kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030 được Sở GTVT TPHCM trình UBND TPHCM, dự kiến tổng mức đầu tư là 970.650 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách gần 400.000 tỷ đồng, vốn khác gần 570.925 tỷ đồng. |