Tại chương trình, cử tri đặt nhiều câu hỏi liên quan đến công tác phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các công trình trọng điểm. Theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Giảng viên Trường Đại học GTVT TPHCM, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đề ra chỉ tiêu “đến năm 2025, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 15%, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,5 km/km2”. PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn đề nghị thông tin về nhiệm vụ này.
Trao đổi với cử tri, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Phan Công Bằng cho biết, đến nay TPHCM đã hoàn thành một số công trình như cầu Ba Son, cầu Phước Lộc, cầu Long Đại, cầu Bưng, cầu Vàm Sát, cầu Long Kiểng, đường Long Phước... Với nội lực như hiện nay, tỷ lệ đất giao thông trên đất đô thị đang đạt 14,16%, tỷ lệ đường giao thông đạt 2,41%/km2. “Với các công trình đang tiếp tục được triển khai như đường Vành đường 3 và các công trình khác, chúng tôi xác định cuối nhiệm kỳ sẽ đạt mục tiêu theo kế hoạch Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đề ra”, ông Phan Công Bằng thông tin.
Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, TPHCM đang tập trung khép kín đường Vành đai 2, triển khai dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4; triển khai các dự án đường cao tốc… Thời gian tới, Sở GTVT phối hợp các đơn vị liên quan để ngoài nguồn vốn ngân sách, khai thông được các nguồn vốn ngoài ngân sách theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Thông tin thêm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM Lương Minh Phúc cho biết, đối với các dự án do ban quản lý, ngoài 62 dự án đã được hoàn thành còn 100 dự án giao thông trọng điểm đang được triển khai. Từ nay đến cuối năm, sẽ thông xe khoảng 15 công trình như cầu Phước Long, cầu Bà Hom, cầu Tân Kỳ Tân Quý, cầu Nam Lý, đường Tên Lửa, đường Tân Kỳ Tân Quý, đường Dương Quảng Hàm…
Giai đoạn tới, TPHCM tập trung khép kín các đường Vành đai 2, 3, 4 và hoàn thiện 5 đường cao tốc hướng tâm, các dự án mở rộng giao thông tại các cửa ngõ TPHCM. Cùng với đó, TPHCM đã triển khai các nhóm dự án giải quyết điểm nóng như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái.
Lý giải nguyên nhân các công trình trọng điểm chậm trễ tiến độ, ông Phúc cho rằng, giải phóng mặt bằng còn khó khăn; khâu phối hợp trong di dời công trình ngầm cũng phát sinh thời gian thi công…
Ông Phúc đề xuất 5 giải pháp khắc phục, trong đó nhấn mạnh đến việc huy động quyết tâm của cả hệ thống chính trị các địa phương trong giải phóng mặt bằng; tiếp tục đảm bảo nguyên tắc đặt người dân vị trí trung tâm trong giải phóng mặt bằng. Cùng với đó là rút ngắn thời gian phối hợp di dời công trình tiện ích; nâng cao trách nhiệm năng lực quản lý điều hành của các chủ đầu tư cũng như quá trình lựa chọn nhà thầu, đôn đốc quá trình thi công; xử lý kịp các tình huống phát sinh nếu nhà thầu yếu kém.
Tại chương trình đại diện các cơ quan chức năng đã trả lời ý kiến của cử tri về các giải pháp phòng chống trộm cắp, phá hủy thiết bị công trình giao thông tại TP; việc xử lý bất cập liên quan hệ thống biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông, đèn chiếu sáng, vạch kẻ đường, dải phân cách, hệ thống thoát nước. Cùng với đó là các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án công trình giao thông.
Điều hành chương trình, Trưởng Ban Đô thị HĐND TPHCM Nguyễn Thị Thanh Vân đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn, tập trung công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình đường bộ. Đồng thời tăng cường xã hội hóa, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia các dự án đường bộ, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực ngày một tăng cao, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.
ĐB Thanh Vân cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và các đoàn thể triển khai nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, vận động nhân dân hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm trong công tác huy động các nguồn lực từ cộng đồng để phát triển các công trình đường bộ.