TPHCM đẩy mạnh tự chủ tuyển dụng giáo viên

Năm học 2022-2023, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT 2018) bắt đầu triển khai ở lớp 10. Trước thực tế thiếu giáo viên ở nhiều môn học, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Tống Phước Lộc, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT TPHCM) về hướng tháo gỡ cho vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: Hiện nay, các trường THPT đã công bố kế hoạch triển khai các môn học thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở lớp 10, trong đó một số môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ triển khai hết sức dè dặt do thiếu giáo viên. Sở GD-ĐT TPHCM đã có những chuẩn bị gì về nhân sự nhằm tháo gỡ khó khăn cho các trường học?

Ông TỐNG PHƯỚC LỘC: Theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018, các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học và Công nghệ thuộc nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật bắt đầu triển khai từ năm học 2022-2023 đối với lớp 10. Để chuẩn bị nhân sự cho năm học mới, hiện nay Sở GD-ĐT TPHCM đang xem xét, giải quyết chuyển công tác cho các giáo viên có nhu cầu thay đổi đơn vị công tác. Song song đó, các trường THPT tiến hành đăng ký nhu cầu tuyển dụng giáo viên cho năm học 2022-2023 dựa trên kế hoạch chiến lược phát triển của nhà trường, đồng thời tính toán nhân sự thực hiện lộ trình 3 năm triển khai Chương trình GDPT 2018. 
TPHCM đẩy mạnh tự chủ tuyển dụng giáo viên ảnh 1 Ông Tống Phước Lộc, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT TPHCM) 
Từ nhu cầu đăng ký của các trường, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên cho năm học mới, dự kiến quy trình tuyển dụng viên chức bắt đầu thực hiện theo hình thức thi tuyển từ giữa tháng 6-2022. Sau khi có kết quả thi tuyển, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ có công văn đề nghị sở tư pháp các tỉnh, thành phố phối hợp rút ngắn thời gian cấp lý lịch tư pháp cho các trường hợp trúng tuyển viên chức. Dự kiến đầu tháng 8-2022, nhân sự sẽ được bổ sung về cho các đơn vị. Trước đó, trong tháng 3-2022, Sở GD-ĐT TPHCM đã ký kết kế hoạch đào tạo bồi dưỡng giáo viên với 2 trường Đại học Sài Gòn và Đại học Sư phạm TPHCM nhằm đảm bảo nguồn sinh viên tốt nghiệp ra trường đáp ứng nhu cầu giảng dạy ở các môn học.


Thiếu giáo viên đã kéo dài nhiều năm qua ở các trường học. Nhiều ý kiến đề xuất ngành giáo dục cần đẩy mạnh hơn nữa việc trao quyền tuyển dụng giáo viên cho các trường, đặc biệt ở bậc THPT, nhằm giúp các trường chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch giảng dạy và bố trí nhân sự. Ý kiến của ông thế nào về đề xuất này? 

Sở GD-ĐT TPHCM hiện đang phân cấp tổ chức tuyển dụng đối với 17/129 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Hàng năm, các đơn vị này đều nghiêm túc xây dựng kế hoạch tuyển dụng gửi về Sở GD-ĐT TPHCM để được xem xét, phê duyệt theo quy định, đồng thời tổ chức tuyển dụng đúng quy trình, số lượng giáo viên trúng tuyển đáp ứng nhu cầu giảng dạy thực tế của đơn vị. Ngoài ra, đối với 3 cấp học mầm non, tiểu học, THCS thuộc thẩm quyền quản lý của các quận, huyện, đến thời điểm hiện tại, đã có 2 địa phương là quận 10 và Bình Tân thực hiện việc trao quyền tuyển dụng cho các trường học.

Ứng viên tham gia kỳ thi tuyển viên chức giáo dục năm học 2020-2021
Từ năm học 2022-2023 trở đi, Sở GD-ĐT TPHCM dự kiến mở rộng đối tượng phân cấp tổ chức tuyển dụng đối với các trường tiên tiến, hội nhập quốc tế và trường học thuộc vùng sâu, vùng xa nhằm giúp các đơn vị chủ động tổ chức tuyển dụng theo nhu cầu. Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ xem xét điều kiện thực tế tổ chức tuyển dụng ở các đơn vị căn cứ theo quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP (ngày 25-9-2020) của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và Thông tư số 06/2020/TT-BNV (ngày 2-12-2020) của Bộ Nội vụ ban hành quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị.

Năm học 2020-2021, hiệu trưởng trường THPT được tham gia hội đồng tuyển dụng viên chức tại đơn vị. Tuy nhiên, đến năm học 2021-2022, đối tượng này không còn tham gia hội đồng tuyển dụng viên chức?

Năm học 2020-2021, việc tuyển dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được Sở GD-ĐT TPHCM giao thẩm quyền tuyển dụng viên chức thực hiện theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP (ngày 29-11-2018) của Chính phủ và Thông tư số 03/2019/TT-BNV (ngày 14-5-2019) của Bộ Nội vụ về sửa đổi, bổ sung một số quy định tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. 

Theo đó, hội đồng tuyển dụng viên chức của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao thẩm quyền tuyển dụng viên chức được thành lập theo nguyên tắc chủ tịch hội đồng do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định, ngoài ra phó chủ tịch hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đảm nhận. Ngoài ra, chủ tịch hội đồng tuyển dụng thành lập ban kiểm tra sát hạch và giao phó chủ tịch hội đồng làm trưởng ban. Do đó, năm 2020, tất cả đơn vị chưa được giao thẩm quyền tuyển dụng đều cử hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng tham gia hội đồng tuyển dụng và ban kiểm tra sát hạch.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm học 2021-2022, việc tuyển dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao thẩm quyền tuyển dụng thực hiện theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP (ngày 25-9-2020) của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Theo đó, Sở GD-ĐT TPHCM là cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng. Hội đồng tuyển dụng được thành lập theo nguyên tắc chủ tịch hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng, phó chủ tịch hội đồng là lãnh đạo bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng. Do đó, hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng trường THPT không tham gia vào hội đồng tuyển dụng nhưng vẫn có thể là thành viên ban kiểm tra sát hạch để chấm điểm đối với người dự tuyển viên chức.

Tin cùng chuyên mục