TPHCM: Đẩy mạnh tập huấn về phòng chống ma túy và các chất gây nghiện trong trường học

Ngày 22-11, tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1), Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Công an Thành phố, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Thành phố và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tổ chức chương trình tập huấn về phòng, chống tội phạm ma túy, thuốc lá mới và các chất gây nghiện trong trường học dành cho giáo viên, học sinh, học viên các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, chương trình tập huấn diễn ra trong 10 buổi dành cho giáo viên và học sinh các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và các đơn vị trực thuộc.

"Phòng" hơn "chống"

Theo ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, hiện nay, học sinh, sinh viên đang trở thành đối tượng bị các phần tử xấu dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy và các chất gây nghiện dưới các hình thức thực phẩm trá hình như kẹo, trà sữa, bóng cười, shisa, cỏ Mỹ....

Trước thực tế đó, hàng năm, Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Công an Thành phố, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Thành phố và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ phụ trách công tác phòng chống ma túy và các chất gây nghiện trong các cơ sở giáo dục.

Đông đảo giáo viên tham gia buổi tập huấn

Đông đảo giáo viên tham gia buổi tập huấn

"Năm nay, đối tượng tham gia tập huấn không chỉ có các cán bộ quản lý mà mở rộng thêm đội ngũ các thầy cô phụ trách công tác phòng chống ma túy tại các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên gồm giáo viên quốc phòng, giáo viên giáo dục công dân, tổng phụ trách đội... nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong học sinh, sinh viên", đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết.

Ông Dương Trí Dũng cũng yêu cầu, công tác phòng, chống ma túy và thuốc lá trong trường học phải bám sát thực tế từng đối tượng người học. Nhà trường chủ động phòng ngừa, ngăn chặn nguyên nhân và điều kiện phát sinh tệ nạn ma túy trong trường học, qua đó tạo môi trường học tập lành mạnh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong cơ sở giáo dục.

Cùng với đó, trường học tăng cường chất lượng sinh hoạt của các tổ chức chính trị trong nhà trường về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, thuốc lá; xây dựng lực lượng đoàn viên, đội viên làm nòng cốt trong công tác đấu tranh, tuyên truyền, giáo dục, phát hiện ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và thuốc lá xâm nhập vào trường học.

Chú trọng cảnh báo tác hại của ma túy

Tại buổi tập huấn, Thượng úy Nguyễn Khắc Anh, Bí thư Đoàn thuộc Đội PC04, Công an TPHCM, cho biết, với quy mô dân số đông hơn 10 triệu người, TPHCM đã trở thành thị trường béo bở cho việc mua bán và vận chuyển các chất gây nghiện, trong đó có ma túy.

"Qua ghi nhận thực tế, năm học 2023-2024, các trường phổ thông có nhu cầu phối hợp với Công an TPHCM tuyên truyền về phòng, chống ma tuý và thuốc lá điện tử tăng gấp 2 lần các năm trước. Nguyên nhân là tội phạm ma túy ngày càng phức tạp, nhiều sản phẩm có tẩm ướp các chất gây nghiện như thuốc lá điện tử, shisa, bóng cười đang xâm nhập mạnh mẽ vào trường học", đại diện Công an TPHCM cho biết.

Đại diện Công an TPHCM nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuyên truyền tác hại của các chất gây nghiện trong trường học

Đại diện Công an TPHCM nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuyên truyền tác hại của các chất gây nghiện trong trường học

Trong đó, một số loại thuốc lá điện tử được xác định có hàm lượng chất gây nghiện thấp nhưng có thêm các chất phụ gia khác, khi đi vào cơ thể sẽ tác động đến hệ thần kinh, hô hấp, tim mạch.

Nguy hiểm hơn, một số sản phẩm tẩm ướp các chất gây nghiện được ngụy trang dưới vỏ bọc nước trái cây, kẹo trái cây, bánh quy... Sau khi sử dụng, người sử dụng có nguy cơ không làm chủ hành vi, cảm xúc dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội như quan hệ tình dục bừa bãi, giết người...

"Nếu công tác tuyên truyền chỉ dừng ở việc giới thiệu các chất gây nghiện hoặc phổ biến văn bản pháp luật sẽ không có tác dụng mạnh đến học sinh, ngược lại có thể khiến các em tò mò muốn thử sử dụng. Do đó, cần có những số liệu thực tế, câu chuyện cụ thể về tác hại của ma túy để học sinh sợ, không thử dù chỉ một lần", Thượng úy Nguyễn Khắc Anh bày tỏ.

Ngoài ra, theo ThS-BS Đinh Thị Hải Yến, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, hiện nay, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở học sinh Việt Nam có chiều hướng giảm nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử lại tăng lên.

"Các bạn trẻ thường nghĩ rằng thuốc lá điện tử là sản phẩm mang tính thời trang, an toàn hơn thuốc lá truyền thống, không mùi hôi và không ảnh hưởng người xung quanh. Nhưng trên thực tế, người hút thuốc lá điện tử dễ bị gây nghiện và tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường, đồng thời ảnh hưởng sức khỏe cả người hút và người xung quanh", bác sĩ Đinh Thị Hải Yến thông tin.

ThS. BS Đinh Thị Hải Yến, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố thông tin về tác hại của thuốc lá điện tử

ThS. BS Đinh Thị Hải Yến, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố thông tin về tác hại của thuốc lá điện tử

Vì vậy, các chuyên gia đều cho rằng, trường học cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh tránh xa các chất gây nghiện, không sử dụng hay tiếp tay cho việc mua bán, vận chuyển để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân, góp phần xây dựng môi trường học đường lành mạnh, an toàn.

Tin cùng chuyên mục