Sáng 4-8, hơn 200 cán bộ quản lý giáo dục gồm trưởng phòng GD-ĐT, hiệu trưởng trường THPT công lập, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đã tham dự Hội nghị Tổng kết kết quả thực hiện các đề án, chương trình thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy theo Quyết định 4887/QĐ-UBND (ngày 2-10-2015) của UBND TPHCM về thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW (ngày 4-11-2013) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Chính Tâm, Chánh văn phòng Đảng ủy Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, Nghị quyết 29-NQ/TW tạo điều kiện cho ngành giáo dục thành phố phát huy thế mạnh, trong đó có tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm.
“Ngành giáo dục xác định rõ đây là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng cần đầu tư nguồn lực để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa", Chánh văn phòng Đảng ủy Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ.
Theo đó, ngành giáo dục đã triển khai hàng loạt chương trình như: xây dựng kênh truyền hình giáo dục, xã hội hóa hoạt động tư vấn trường học, giáo dục âm nhạc dân tộc và phổ cập tin học cho học sinh phổ thông, đẩy mạnh đào tạo và bồi dưỡng học sinh giỏi, phân luồng học sinh sau trung học…
Riêng đối với đội ngũ nhà giáo, thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng cuộc sống của đội ngũ nhà giáo, đẩy mạnh đào tạo và bồi dưỡng giáo viên mầm non, tiểu học đáp ứng nhu cầu xã hội.
Tính đến cuối năm 2022, bậc tiểu học có 0,89% giáo viên trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, 83,27% giáo viên trình độ đại học, 14,44% trình độ cao đẳng và 1,39% trình độ trung cấp.
Tương tự, bậc THCS có 5,56% giáo viên trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, 84,38% trình độ đại học và 10,06% trình độ cao đẳng.
Học sinh TPHCM tham gia một hoạt động về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học |
Hiện nay, Sở GD-ĐT TPHCM đã hoàn chỉnh dự thảo đề cương dự án Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo TPHCM đến năm 2030 để các quận, huyện, sở ngành góp ý.
Đối với các trường chuyên, cô Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) thông tin, đơn vị đang hoàn tất dự thảo đề án trường chuyên trình Sở GD-ĐT TPHCM trình HĐND TPHCM phê duyệt.
Bên cạnh đó, các trường theo mô hình chuyên và trường tiên tiến, hội nhập được giao nhiệm vụ đẩy mạnh chuyển đổi số gồm xây dựng thư viện thông minh, trung tâm thực hành thí nghiệm hiện đại trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Trưởng phòng GD-ĐT quận 3 Phạm Đăng Khoa nêu ý kiến, để phát huy nhiều hơn nữa năng lực đội ngũ, thành phố cần nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho giáo viên để các thầy, cô yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với ngành.
Trưởng phòng GD-ĐT quận 3 Phạm Đăng Khoa đề xuất chính sách hỗ trợ nhà ở cho giáo viên |
Trong thời gian tới, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu đề nghị các trường học tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thư viện dùng chung, chia sẻ dữ liệu dạy học giữa các đơn vị.
Đặc biệt, người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo yêu cầu các phòng GD-ĐT quận, huyện và TP Thủ Đức tập trung đón đầu nhu cầu xây dựng trường lớp, kiên trì tham mưu quận ủy và UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường, đảm bảo chỗ học cho người dân.
"Hiện nay, thành phố tăng hơn 10.000 học sinh ở mỗi bậc học. Nếu không làm tốt công tác dự báo và đón đầu nhu cầu xây dựng trường lớp thì chúng ta sẽ vỡ trận, các trường quá tải khả năng tiếp nhận học sinh", Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu các quận, huyện kiên trì các giải pháp xây dựng trường lớp |
Năm học 2023-2024, TPHCM lần đầu tiên triển khai tuyển sinh đầu cấp theo hình thức trực tuyến. Đến nay, phần mềm quản lý thông tin học sinh cơ bản đã hoàn tất cơ sở dữ liệu.
Trong năm học tới, ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh số hóa công tác quản lý đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, có phần mềm theo dõi tình hình sử dụng thiết bị dạy học tại các nhà trường để kịp thời bổ sung, sửa chữa, đáp ứng nhu cầu giảng dạy của các đơn vị.