Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2022-2023, toàn thành phố có 31 trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) đang hoạt động.
Trong đó, có 5 trung tâm GDTX cấp thành phố, 22 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện và 4 trường có phân hiệu GDTX.
Bên cạnh đó, thành phố có 310 trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) và các loại hình trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên gồm: 781 trung tâm ngoại ngữ - tin học, 102 trung tâm giáo dục kỹ năng sống và 323 trung tâm tư vấn du học.
Ông Cao Minh Quý, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp và đại học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, hệ thống các cơ sở GDTX ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân.
Trong năm học 2022-2023, TPHCM đã đưa vào sử dụng cơ sở mới là Trung tâm GDNN-GDTX quận 6 và quận 12, đồng thời xây dựng mới Trung tâm GDNN-GDTX quận Phú Nhuận chuẩn bị cho năm học 2023-2024.
"Hiện nay, phần lớn các trung tâm hoạt động với nhiều cơ sở, diện tích nhỏ, ít phòng, không đủ điều kiện về trang thiết bị, vệ sinh, thiếu phòng học bộ môn, thực hành thí nghiệm, thư viện.
Cùng với đó, tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên vẫn xảy ra do tuyển dụng không được, đồng thời không thể luân chuyển, điều phối giữa các trung tâm vì thuộc quản lý của UBND nhiều quận, huyện", đại diện phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp và đại học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết.
Liên quan băn khoăn về quy định cơ quan chủ quản đối với trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX, Sở GD-ĐT TPHCM đã có công văn gửi UBND TPHCM kiến nghị giao về cho Sở GD-ĐT quản lý. Hiện UBND TPHCM chỉ đạo tiếp tục lấy ý kiến UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức, các sở ngành.
Đa số các ý kiến đều cho rằng nên giao về cho Sở GD-ĐT TPHCM quản lý, tuy nhiên do vướng một số quy định pháp luật nên thành phố cần chờ thêm hướng dẫn từ bộ ngành.
Trước mắt, trong năm học 2023-2024, trung tâm GDTX, GDNN-GDTX vẫn thuộc quản lý của UBND quận, huyện và TP Thủ Đức.
Cũng trong năm học tới, ngành giáo dục và đào tạo thành phố đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ 70% trường đại học triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; 40% cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số.
Song song đó, mỗi quận, huyện và TP Thủ Đức có ít nhất một trung tâm học tập cộng đồng điểm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục, đồng thời thiết lập mạng lưới kết nối giữa trung tâm học tập cộng đồng điểm với các cơ sở liên quan ở địa phương (gồm trường học, trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX, thư viện cộng đồng…) và các cấp quản lý nhằm hỗ trợ người dân tham gia học tập.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM ghi nhận nỗ lực của các địa phương trong việc nâng cao tỷ lệ đơn vị được đánh giá, xếp loại đơn vị học tập.
"Tôi cho rằng việc này cần trở thành nhiệm vụ then chốt của các địa phương, xem xét đưa vào công tác cải cách hành chính chung của thành phố để nâng cao hiệu quả thực hiện.
Ngoài ra, các địa phương lưu ý không nên tổ chức sáp nhập, đề xuất giảm quy mô hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng bởi đây là mô hình cần thiết giải quyết nhu cầu học tập đa dạng của người dân, qua đó đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập trên toàn thành phố", ông Dương Trí Dũng bày tỏ.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu (giữa) trao giấy khen cho tập thể có thành tích xuất sắc trong năm học 2022-2023 |
Dịp này, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu quyết định tặng giấy khen cho 6 tập thể và 7 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong năm học 2022-2023 đối với khối giáo dục thường xuyên.