TPHCM đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Ngày 1-10, Đoàn giám sát của HĐND TPHCM do Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Huỳnh Thanh Nhân làm trưởng đoàn, giám sát về lao động và việc làm trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2020-2025 đối với Sở GD-ĐT, Sở LĐTB-XH và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM.

Tại buổi giám sát, các đại biểu (ĐB) quan tâm đến tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) học giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TPHCM còn thấp. Theo đó, mỗi năm chỉ tiêu phân luồng học sinh của thành phố là tuyển sinh 70% học sinh sau tốt nghiệp THCS theo học lớp 10 trung học phổ thông (THPT) công lập; 30% còn lại được phân luồng ra các hướng học khác phù hợp với năng lực học tập và định hướng nghề nghiệp của học sinh như: THPT tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường nghề.

IMG_1727768469642_1727768501093.jpg
Quang cảnh buổi giám sát

Tuy nhiên, học sinh không đậu các trường công lập thì tỷ lệ học trường nghề còn hạn chế (khoảng 10%). Các ĐB đặt vấn đề, tỷ lệ này đã phản ánh đúng thực trạng và mong muốn của người dân hay chưa? Sở GD-ĐT TPHCM đang gặp khó khăn, vướng mắc gì trong công tác phân luồng học sinh sau THCS?

Các ĐB cũng quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao liên quan trực tiếp đến lĩnh vực của 3 đơn vị.

IMG_1727768469611_1727768500534.jpg
ĐB nêu ý kiến tại buổi giám sát

Tại buổi giám sát, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam và Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM Nguyễn Nghĩa Hiệp báo cáo và thông tin về các giải pháp nâng tỷ lệ học sinh lựa chọn môi trường phù hợp với định hướng nghề nghiệp; nâng tỷ lệ nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong Khu Công nghệ cao TP.

z5885624149289_f7db65d38a5bedc53cc8cf8c843f9e45.jpg
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam báo cáo tại buổi giám sát

Giám đốc Sở LĐTB-XH Lê Văn Thinh cho rằng, cần đặt đúng trọng tâm nguồn nhân lực chất lượng cao ở bậc nào trong 8 bậc Khung trình độ quốc gia Việt Nam (từ sơ cấp đến sau đại học). Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng được số lượng và chất lượng nguồn nhân lực.

IMG_1727768469699_1727768502258.jpg
Giám đốc Sở LĐTB-XH Lê Văn Thinh báo cáo tại buổi giám sát

Phát biểu kết luận buổi khảo sát, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Huỳnh Thanh Nhân ghi nhận những kết quả và sự nỗ lực, phối hợp hoạt động của 3 đơn vị trong thời gian qua.

ĐB Huỳnh Thanh Nhân cũng đề nghị Sở LĐTB-XH đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về quản lý lao động, việc làm; hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực; thống kê chuyển dịch lao động và nâng cao hiệu quả sàn giao dịch việc làm. ĐB Huỳnh Thanh Nhân lưu ý Sở LĐTB-XH tiếp tục quan tâm đến các chính sách tạo việc làm cho nhân lực đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, đặc biệt là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo mong muốn đi xuất khẩu lao động.

IMG_1727768469667_1727768501643.jpg
Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Huỳnh Thanh Nhân phát biểu kết luận buổi khảo sát

Trong phân luồng hướng nghiệp cho học sinh, ĐB Huỳnh Thanh Nhân đề nghị Sở GD-ĐT tiếp tục phối hợp Sở LĐTB-XH đánh giá hiệu quả sau 1 năm thực hiện chương trình phối hợp định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh THCS và THPT giai đoạn 2023-2025.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT tiếp tục tổ chức tư vấn, tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh nhận thức về khả năng, sức học… của mình để quyết định chọn môi trường đào tạo phù hợp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ các quận, huyện, TP Thủ Đức và các trường nghề để có cơ sở tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

Về phía Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố, thời gian tới cần đẩy mạnh phối hợp các sở, ngành, địa phương trong định hướng, dự báo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề kết nối với các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao; phối hợp Sở LĐTB-XH nghiên cứu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề, thi sát hạch cấp chứng chỉ nghề…

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao cũng cần phối hợp với Liên đoàn Lao động TPHCM, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố, chính quyền địa phương để chăm lo điều kiện vật chất và tinh thần cho công nhân trong Khu Công nghệ cao, Khu chế xuất - Khu Công nghiệp và địa bàn dân cư; kịp thời nắm tinh thần, tâm tư nguyện vọng của người lao động. Qua đó, tạo điều kiện cho người lao động có môi trường làm việc thuận lợi nhất, đảm bảo gắn bó nghề nghiệp lâu dài.

Tin cùng chuyên mục