Theo đó, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp trong chương trình chính khoá cần đảm bảo được bố trí 2 tiết/tháng trong khung chương trình chính khoá. Sở yêu cầu các đơn vị triển khai một số nội dung đổi mới phù hợp với xã hội hiện nay như cuộc cách mạng công nghiêp 4.0, giao tiếp mạng xã hội, smartphone trong đời sống xã hội, văn hoá giao thông...
Việc tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa cần chuyển mạnh sang hướng hoạt động trải nghiệm, trải nghiệm sáng tạo. Trong đó, hoạt động ngoại khóa nhằm củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho học sinh, tổ chức cho nhiều đối tượng học sinh tham gia, thu phí trên tinh thần tự nguyện của học sinh. Hoạt động này không nhằm mục đích kiểm tra đánh giá học sinh.
Trong khi đó, hoạt động trải nghiệm được tổ chức ở các bộ môn trong và ngoài nhà trường. Việc tổ chức cho học sinh học tập trải nghiệm có bài kiểm tra đánh giá học sinh. Nhà trường phân công tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch, nội dung kiến thức thực hiện, phương thức thực hiện, phương thức kiểm tra đánh giá, đối tượng học sinh và lực lượng giáo viên, giảng viên tổ chức hoạt động dạy học.
Đặc biệt, Sở GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị hạn chế hoạt động ngoại khóa có nội dung không phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông theo từng khối lớp; đồng thời rà soát, chấn chỉnh các hoạt động học tập trải nghiệm có thực hiện kiểm tra đánh giá học sinh. Cần tránh các nội dung chung chung không xác định được vị trí kiến trức trong chương trình chuẩn kiến thức, kỹ năng hiện hành, không được tổ chức một chuyên đề, xây dựng một bài thu hoạch hay kiểm tra áp dụng chung cho nhiều khối lớp.
Nhà trường cần xây dựng các hoạt động trải nghiệm cho học sinh theo định hướng tiếp cận, hình thành và phát triển năng lực cho học sinh, lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm. Đảm bảo đủ giáo viên, giảng viên chuyên môn để tổ chức hoạt động dạy và học, đảm bảo không quá 35 học sinh/giáo viên trực tiếp giảng dạy. Các đơn vị không tổ chức các hoạt động phối hợp học tập trải nghiệm và du lịch trong thời gian ngắn.
Riêng đối với yêu cầu kiểm tra, đánh giá học sinh, cần đánh giá bài thu hoạch ghi chép quá trình học của học sinh qua các giai đoạn, đánh giá qua tinh thần và thái độ học tập của học sinh khi tham gia. Việc sử dụng kết quả kiểm tra, đánh giá thành cột điểm của môn học giáo viên cần lưu ý phải đảm bảo lượng kiến thức, thời lượng trong kế hoạch giảng dạy và theo Thông tư 58 của Bộ GD-ĐT.
Việc tổ chức hoạt động học tập trải nghiệm, tiết học ngoài nhà trường được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, công khai. Do đó, khi tổ chức học tập trải nghiệm, tiết học ngoài nhà trường, các cơ sở giáo dục phải xây dựng phương án học tập tương đương cho các em học sinh không tham gia được học tập tại trường hoặc tại nhà.
Đối với chương trình hướng nghiệp từ lớp 9 đến lớp 12, nhà trường xây dựng kế hoạch hướng nghiệp trong kế hoạch giáo dục tổng thể của nhà trường với thời lượng tối thiểu 9 tiết/năm (theo chương trình chính khóa). Ngoài ra, tùy vào điều kiện của đơn vị, nhà trường cần tăng cường các hoạt động hướng nghiệp qua các hình thức trải nghiệm; tránh các hình thức tổ chức nhàm chán, không đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin về ngành nghề của học sinh. Hạn chế tối đa các trường hợp quảng cáo tuyển sinh cho các trường đại học vào giờ sinh hoạt dưới cờ.
Các trường THPT thiết kế xây dựng chương trình tư vấn tuyển sinh vào lớp 10 cho các trường THCS thuộc địa bàn quận, huyện của trường mình. Các phòng GD-ĐT và trường THCS phối hợp các đơn vị như trường trung cấp, cao đẳng nghề, THPT, trung tâm GDTX và doanh nghiệp địa phương tổ chức các buổi hướng nghiệp phân luồng học sinh.