TPHCM đầu tư cho y tế cơ sở: Kỳ vọng thay áo mới

Thực tế ghi nhận cho thấy, đa số trạm y tế ở khu vực nội thành là các căn nhà phố được tận dụng lại làm trụ sở, sử dụng đã lâu, đa số xuống cấp, chật chội.

1. Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi tìm tới Trạm Y tế (TYT) phường Tân Thới Hiệp (nằm trong khuôn viên Nhà Văn hóa Thể thao Tân Thới Hiệp - 22 Nguyễn Thị Đặng, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TPHCM) và không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến 9 y, bác sĩ và nhân viên của trạm phải làm việc trong điều kiện tạm bợ, nhiều thiếu thốn.

Qua tìm hiểu, trước đây, TYT Tân Thới Hiệp cũng có trụ sở, cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, khang trang. Năm 2007 khi phải di dời, nhường đất cho địa phương xây dựng siêu thị, trạm dời về “ở tạm” tại Nhà Văn hóa Thể thao Tân Thới Hiệp, nhưng không vì thế mà cán bộ y tế của trạm chùn chân, kể cả trong đợt đại dịch Covid-19 vừa qua.

Bà Huỳnh Thị Tuyết Trinh, Chủ tịch UBND phường Tân Thới Hiệp, cho biết, TYT của phường đã có chủ trương xây dựng mới hơn 15 năm qua, nhưng chưa thành hiện thực do gặp nhiều vướng mắc. “Mới đây, có thông tin dự án TYT của phường sẽ được xây dựng mới trong năm nay, chúng tôi rất phấn khởi”, bà Huỳnh Thị Tuyết Trinh bày tỏ.

Thực tế ghi nhận cho thấy, đa số TYT ở khu vực nội thành là các căn nhà phố được tận dụng lại làm trụ sở, sử dụng đã lâu, đa số xuống cấp, chật chội. Ở khu vực vùng ven và ngoại thành như quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè… nhiều trạm được xây dựng sau năm 2000 có quy mô rộng rãi, hạ tầng tốt, đầu tư bài bản, nhưng do sử dụng đã trên dưới 20 năm, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu nhân lực nên nhiều phòng khám cũng chỉ trưng bảng hiệu, bên trong được tận dụng làm kho hoặc trống không.

Trạm y tế phường Thảo Điền (TP Thủ Đức, TPHCM) mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm lượt người dân tới thăm khám và điều trị
Trạm y tế phường Thảo Điền (TP Thủ Đức, TPHCM) mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm lượt người dân tới thăm khám và điều trị

2. Tại kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 ngày 18-4 vừa qua, HĐND TPHCM đã thông qua quyết định chủ trương đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị y tế cho 146 TYT tuyến phường, xã trên địa bàn thành phố, với tổng vốn đầu tư 296 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương. Các địa phương thực hiện dự án gồm: quận 1, 4, 5, 6, 8, 10, 11, 12, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, TP Thủ Đức và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.

Đón nhận chủ trương này, BS-CKII Nguyễn Thanh Trang, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Tân Bình, nhận định, đây là tín hiệu vui đối với tuyến y tế cơ sở. Hiện quận Tân Bình có 2 TYT phường cần được xây mới, 6 TYT có nhu cầu sửa chữa lớn, 15 TYT cần nâng cấp hệ thống xử lý nước thải… với tổng kinh phí trên 33 tỷ đồng.

“Chúng tôi đã thực hiện xong góp ý bản vẽ thiết kế xây mới, sửa chữa và cải tạo, dự trù trang thiết bị liên quan cho các dự án trên. Hy vọng chủ trương sớm đi vào cuộc sống, tuyến y tế cơ sở sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân”, BS Nguyễn Thanh Trang bày tỏ.

Cũng mong mỏi bộ mặt y tế cơ sở của địa phương sớm “thay da đổi thịt”, BS-CKII Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn, cho biết, 146 TYT dự kiến được đầu tư, nâng cấp thể hiện thái độ trân trọng của thành phố với sự hy sinh to lớn của đội ngũ thầy thuốc, nhất là trong thời điểm đại dịch vừa qua.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, bằng ngân sách hàng năm, ngành y tế vẫn ưu tiên cho các TYT, nâng cấp, sửa chữa theo mô hình trạm có đủ cơ sở hạ tầng hoạt động theo nguyên lý y học gia đình (đã được 50 trạm). Ngoài cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thích hợp cho trạm cũng rất cần thiết, Sở Y tế đã thí điểm thành công đưa máy X-quang hiện đại về TYT xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) và đã phát huy hiệu quả. Sở sẽ tham mưu UBND TPHCM tiếp tục cho thực hiện ở những TYT khu vực xa. TPHCM cũng duy trì và phát triển kết nối giữa bác sĩ TYT với bác sĩ chuyên khoa các bệnh viện của thành phố để được hội chẩn, tư vấn chuyên môn từ xa.

Sắp tới, Sở Y tế sẽ mở rộng danh mục thuốc cho TYT, thuốc BHYT nhất là các thuốc điều trị ngoại trú cho các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tim mạch, phổi mạn tính, ung thư (giai đoạn chăm sóc giảm nhẹ). Ngoài ra, có thể bổ sung các loại thuốc khác cần thiết theo mô hình hoạt động, theo cơ cấu bệnh tật của người dân trên địa bàn, phù hợp phạm vi thanh toán BHYT…

Tin cùng chuyên mục