Hội nghị xoay quanh 4 chủ đề quan trọng: Chính sách để xây dựng hệ sinh thái phát triển công nghiệp MEMS; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thương mại hóa sản phẩm MEMS từ kết quả nghiên cứu và triển khai; vai trò của quỹ đầu tư mạo hiểm.
Theo PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP, công nghệ MEMS góp phần quan trọng trong việc chế tạo ra các bộ phận cảm biến, là phần tử quan trọng của IoT; qua đó, tạo nền tảng cho các sản phẩm thông minh. Công nghệ MEMS và IoT còn góp phần giải quyết những vấn đề cụ thể trong các giải pháp xây dựng đô thị thông minh gắn kết sự phát triển của TPHCM trong cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Diễn đàn lần này nhằm tiếp tục xây dựng mạng lưới, kết nối nguồn nhân lực ở nước ngoài để phổ biến các chính sách thu hút đầu tư công nghệ MEMS; đồng thời liên kết nguồn lực trong và ngoài nước để cùng TPHCM phát triển một số sản phẩm chiến lược ứng dụng công nghệ MEMS.
Xác định tầm quan trọng của công nghệ MEMS, thời gian qua, TPHCM đã ký kết với các đơn vị trong nước và tổ chức quốc tế để thành lập Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực thiết kế MEMS tại Nhật Bản. Ngoài ra, TP cũng tăng cường hợp tác nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ từ các nước; tập trung thu hút đầu tư trong và ngoài nước gắn với chuỗi liên kết, thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm MEMS sản xuất trong nước.
Đặc biệt, các dự án sản xuất vi mạch điện tử, mạch tích hợp, cảm biến được TP đưa vào Chương trình kích cầu đầu tư với mức hỗ trợ lãi suất vay vốn cho mỗi dự án là 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, CMCN 4.0 tạo ra cơ hội và thách thức cho ngành, nhất là phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Do vậy, TPHCM mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp đề xuất các giải pháp giúp TP thu hút nhà đầu tư đến lập các phòng thí nghiệm, nhà máy sản xuất cảm biến và các sản phẩm MEMS, nhằm chuẩn bị sẵn sàng phần cứng cho việc xây dựng thành phố thông minh.