Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng, tiềm năng và những cơ hội, thách thức trong quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao của TPHCM.
Theo TS Phạm Đình Dũng, Trưởng Ban AHTP, TPHCM đã tập trung xây dựng cơ sở vật chất, thành lập các đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao như AHTP, Trung tâm công nghệ sinh học, Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao...
Đặc biệt, UBND TPHCM đã phê duyệt Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2030. Đây là định hướng để tập trung nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đưa TPHCM trở thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.
Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trưng bày tại hội thảo |
Năm 2015, GRDP ngành nông nghiệp TPHCM đạt 4.462 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 5,51%/năm; năm 2020 tăng lên 5.268 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 3,38%/năm, cao hơn tốc độ tăng GDP nông nghiệp cả nước là 2,54%/năm.
Diện tích đất nông nghiệp giảm liên tục hàng năm. Giai đoạn 2010-2015, mỗi năm thành phố giảm 700ha đất nông nghiệp; giai đoạn 2015-2020, mỗi năm giảm thêm 1.000ha. Giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 500 triệu đồng/ha; phấn đấu đến năm 2030 đưa giá trị sản xuất đất nông nghiệp đạt từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM nhận định, từ lâu thành phố chuyển dịch sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu để sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, giá trị gia tăng, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao và thân thiện môi trường. Đây được xem là hướng đi phù hợp với điều kiện quỹ đất dành cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp, mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Hội thảo thu hút nhiều sở, ngành, viện, trường tham dự |
Định hướng năm 2030, tầm nhìn năm 2045, thành phố tiếp tục nghiên cứu bổ sung nội dung thu hút đầu tư hiệu quả cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là lĩnh vực đất đai, vốn và khoa học công nghệ.
Song song đó, Nhà nước quy hoạch và mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất giống công nghệ cao, đồng thời tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đất đai, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm bổ sung đưa vào sử dụng 2, 3 khu nông nghiệp công nghệ cao.
Bên cạnh đó, thành phố ưu tiên cho thuê đất, giao đất và các chính sách ưu đãi đầu tư hạ tầng, khoa học và công nghệ, môi trường... cho hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
Thành phố cũng khuyến khích các hộ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tham gia và thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao; triển khai chính sách vay vốn ưu đãi đối với trường hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; có cơ chế đặc biệt về hỗ trợ tín dụng, đất đai như miễn thuế, giảm thuế trong thời gian đầu kinh doanh.