Ngày 18-9, Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy chủ trì buổi giao ban công tác phòng chống dịch sởi trên địa bàn thành phố.
TPHCM đã tiêm 76.993 mũi vaccine sởi
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết trong tuần 37, TPHCM ghi nhận 95 ca sởi, tăng 15,2% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca mắc mới đang có dấu hiệu “chững lại". Đến nay, TPHCM ghi nhận 666 trường hợp bệnh sởi.
Trong tuần qua, 10 quận, huyện có số ca mới tăng so với trung bình 4 tuần trước, bao gồm: TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, quận 5, huyện Nhà Bè, quận Tân Bình, quận 3, huyện Cần Giờ, huyện Hóc Môn, quận 6, quận Phú Nhuận; 4 quận huyện không có ca bệnh mới gồm: quận 1, quận 4, quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh; 8 quận huyện có số ca giảm hoặc không tăng gồm: quận 7, quận 8, quận 10, quận 11, quận 12, huyện Bình Chánh, quận Tân Phú và quận Bình Tân. Hiện tại, 183/312 phường, xã có ca bệnh sởi.
Về tình hình điều trị, TPHCM có 83 ca sởi nhập viện trong tuần, tăng 4% so với trung bình 4 tuần trước. Tuy nhiên, tỷ lệ này giảm so với thời điểm trước khi triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi.
Tính đến ngày 17-9, toàn thành phố đã rà soát được 428.083 trẻ từ 1-5 tuổi, trong đó 49.847 trường hợp thiếu mũi vaccine. TP đã tiêm được 31.075 mũi cho trẻ từ 1-5 tuổi (đạt 62,3%). Danh sách trẻ từ 6-10 tuổi rà soát được là 588.024 trẻ, trong đó 178.585 trẻ cần tiêm chủng. TPHCM cũng đã tiêm được 39.745 mũi cho trẻ từ 6-10 tuổi (22,3%). Ngoài ra, có 6.173 mũi vaccine tiêm cho trẻ thuộc nhóm nguy cơ và nhân viên y tế.
Như vậy, từ đầu chiến dịch tiêm vaccine sởi đến ngày 17-9, toàn TP đã tiêm được 76.993 mũi. Đáng chú ý, tiến độ tiêm vaccine trong tuần 37 đạt gấp 1,8 lần so với tuần trước. Trong đó, huyện Bình Chánh có tiến độ nhanh nhất, quận 5 có tiến độ chậm nhất. Sở Y tế TPHCM đã lập 4 tổ kiểm tra công tác phòng chống dịch sởi trên địa bàn, 12 tổ phản ứng nhanh phòng chống dịch sởi tại trường học.
Mục tiêu công bố hết dịch sởi vào giữa tháng 10
Tại cuộc họp, TS-BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, nhận định chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi của TPHCM bước đầu đã phát huy hiệu quả, làm giảm tốc độ lây lan của bệnh. Tuy nhiên, địa phương cần tiếp tục rà soát hiệu quả số trẻ từ 1-10 tuổi đang cư trú trên địa bàn, nhằm xác định con số thực tế cần tiêm chủng, đặc biệt là với nhóm trẻ biến động dân cư.
“Trẻ biến động dân cư là đối tượng nguy cơ nhất với dịch sởi, nếu bị bỏ sót sẽ trở thành đối tượng nguy cơ tiềm ẩn”, TS Nguyễn Vũ Thượng nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy ghi nhận nỗ lực của Sở Y tế, Sở GD-ĐT, lãnh đạo các quận, huyện và các đơn vị liên quan trong công tác phòng chống dịch sởi, đã mang lại một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, một số quận huyện vùng ven vẫn còn số ca sởi cao do tình hình di biến động dân cư. Theo quy định chung, chiến dịch tiêm vaccine sởi phải đạt 95% đối tượng cần tiêm chủng, sau 21 ngày hoàn thành chiến dịch không ghi nhận thêm ca bệnh mới đủ điều kiện công bố hết dịch.
Do vậy, Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy yêu cầu các địa phương nỗ lực tăng tốc tiêm chủng, hoàn thành mục tiêu của chiến dịch. Những quận, huyện không có ca bệnh hoặc ít ca bệnh nhưng kết quả tiêm còn thấp thì không được chủ quan.
“Hiện nay, tinh thần các quận huyện đang lên cao và phải tiếp tục nâng cao. Đề nghị Sở Y tế tổ chức các đoàn kiểm tra công tác tiêm chủng ở địa phương, đẩy nhanh tiến độ vì an toàn cho trẻ là trên hết. Tôi hy vọng trong tuần tới, chúng ta sẽ hoàn tất cơ bản công tác tiêm chủng, cố gắng đạt mục tiêu khoảng giữa tháng 10 có thể công bố hết dịch sởi”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo.
Đồng chí cũng yêu cầu Công an TPHCM, Sở Y tế TPHCM, các quận huyện tăng cường rà soát, đối chiếu để xác định danh sách chuẩn của trẻ từ 1-10 tuổi trên địa bàn. Tăng cường tốc độ tiêm vaccine, dứt điểm trong 2 tuần tới và đạt tỷ lệ bao phủ tốt nhất, đặc biệt ở các địa bàn rộng như quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi và báo cáo về TP nếu cần sự hỗ trợ. Đồng thời, tiếp tục tăng cường hoạt động tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân và khu dân cư để người dân đưa con em đi tiêm ngừa.