Người dân mua sắm tại kênh phân phối hiện đại
Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước tính đạt 1,75 triệu tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Với mức tăng trưởng 13,5% so với cùng kỳ năm 2017, TPHCM là địa phương có mức tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa cao nhất trong số các tỉnh, thành phố của cả nước.
Về chi tiết, Cục Thống kê TPHCM cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5-2018 của TPHCM dự ước đạt hơn 84.491 tỷ đồng (tăng nhẹ 0,9% so với tháng trước và tăng 13% so với tháng cùng kỳ năm trước). Trong đó, doanh thu bán lẻ ước đạt gần 54.730 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ; dịch vụ lưu trú và ăn uống gần 9.291 tỷ đồng, tăng 16,9%; du lịch, lữ hành gần 1.550 tỷ đồng, tăng 16,1%; dịch vụ khác ước đạt gần 18.921 tỷ đồng, tăng 9,8%. Theo đó, lũy kế 5 tháng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 421.938,6 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt khác, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2018 của TPHCM tăng 0,43% so với tháng 4-2018 và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số 11 nhóm hàng thống kê trong tháng 5-2018, có 8 nhóm hàng tăng giá, dẫn đầu là nhóm hàng giao thông với mức tăng 1,99% so với tháng 4-2018. Tiếp theo là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc, mũ nón, giày dép; thuốc và dịch vụ y tế; thiết bị và đồ dùng gia đình; hàng hóa và dịch vụ khác; đồ uống và thuốc lá; giáo dục. Riêng các nhóm hàng giảm giá là nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng; văn hóa, giải trí và du lịch; bưu chính viễn thông.
Trong tháng 5-2018, diễn biến ngược chiều với chỉ số CPI, chỉ số vàng giảm ở mức 0,43% và USD giảm 0,09 % so với tháng 4-2018.