Chiều 27-4, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TPHCM tổ chức họp báo thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố.
Chỉ không được phép tách thửa
Liên quan đến đất dân cư xây dựng mới, ông Huỳnh Trịnh Phong, Trưởng phòng Quản lý sau quy hoạch - Pháp chế (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM) cho biết, sở dĩ có đất dân cư xây dựng mới là căn cứ vào Nghị định 85 về quy hoạch xây dựng, khi lập quy hoạch phải nghiên cứu các khu vực chức năng, trong đó khu dân cư xây dựng mới.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TPHCM Phạm Đức Hải chủ trì cuộc họp. Ảnh: THÀNH NHÂN |
Trong quy hoạch cần dự kiến phát triển đô thị, dân số tăng nên phải định hướng, dành ra khu vực để đầu tư các công trình xây dựng mới. Từ đó có khái niệm đất dân cư xây dựng mới, đây là một khái niệm về dạng đất ở, sử dụng trong công tác quy hoạch.
"Việc quy hoạch đất dân cư xây dựng mới không ràng buộc, không ảnh hưởng, không hạn chế quyền của người dân trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng”, ông Huỳnh Trịnh Phong khẳng định.
Ông Huỳnh Trịnh Phong, Trưởng phòng Quản lý thực hiện quy hoạch và pháp chế (Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM). Ảnh: THÀNH NHÂN |
Trao đổi thêm, ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12 cho biết, đất thuộc quy hoạch dân cư xây dựng mới chỉ không được phép tách thửa. Còn khi chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở, ông Huỳnh Trịnh Phong cho rằng, cần đạt những điều kiện, tiêu chí theo Luật Đất đai.
Về cấp phép xây dựng cần tuân theo Luật Xây dựng, nếu những khu vực đã chuyển đổi thành đất ở và thỏa mãn một trong những điều kiện theo quy định. Trong đó, khu vực đó được lập quy hoạch chi tiết 1/500, để làm cơ sở cấp phép xây dựng cho người dân. Nếu như trong trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 thì dùng quy chế quản lý kiến trúc để cấp phép xây dựng.
Khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, bảo vệ người có nguy cơ
Về tình hình dịch Covid-19, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) Lê Hồng Nga cho biết, số ca mắc mới trên cả nước đang gia tăng. Tại TPHCM số ca mắc mới cũng gia tăng từ đầu tháng 4-2023, kéo theo đó là số ca nhập viện bắt đầu gia tăng.
Trước tình hình này, ngành y tế TPHCM đã đẩy mạnh các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, trong đó TPHCM kích hoạt chiến dịch bảo vệ nhóm người có nguy cơ.
Phó Giám đốc HCDC Lê Hồng Nga. Ảnh: THÀNH NHÂN |
Các xã phường, thị trấn rà soát, lập danh sách những người thuộc nhóm này để mời tiêm vaccine đầy đủ. Ngoài tiêm vaccine, ngành y tế cũng chú ý chăm sóc, điều trị những người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính.
Cùng với đó, Sở Y tế đã làm việc với các bệnh viện, khi những người thuộc nhóm nguy cơ này đến khám chữa bệnh, nếu chưa tiêm vaccine đủ liều thì tiến hành tiêm cho họ trước khi ra viện.
Phó Giám đốc HCDC cũng khuyến cáo người dân, nhất là những người thuộc nhóm nguy cơ, nên đeo khẩu trang ở nơi đông người, nơi công cộng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Ngoài ra, những người trong gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ cũng được khuyến cáo tiêm vaccine đầy đủ để bảo vệ người thân trong gia đình.
Liên quan thông tin thuốc y học cổ truyền hỗ trợ điều trị Covid-19, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, thuốc Sunkovir được Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Theo bà Như, đây là một tín hiệu đáng mừng vì có thêm một bài thuốc từ dược liệu được cấp phép ứng dụng vào thực tế hỗ trợ điều trị cho người dân. Thuốc SunKovir có tác dụng hỗ trợ điều trị triệu chứng thường gặp trong các bệnh do virus gây ra.