TPHCM đang làm thủ tục 27 dự án nhà ở xã hội với quy mô gần 40.000 căn

Trong chương trình Hội nghị lần thứ 33 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (mở rộng), đại diện các sở, ngành đã thông tin về tình hình thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM thuộc lĩnh vực mình phụ trách và đề xuất các giải pháp.

8-10. 10.jpg
Các đồng chí Thường trực Thành ủy TPHCM tham dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đề xuất 9 khu đất xây nhà bố trí di dời nhà trên, ven kênh, rạch

Báo cáo tại hội nghị về chương trình phát triển nhà ở của thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàng Quân cho biết, 9 tháng đầu năm, thành phố đã xây dựng 5,21 triệu m² sàn nhà ở (đạt hơn 70% kế hoạch năm), đạt 22,61m² sàn nhà ở/người, với tiến độ và tốc độ như vậy thì đến cuối 2025 cơ bản đạt được chỉ tiêu.

Về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố, hiện thành phố đã có 6 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với quy mô 2.740 căn hộ, đang thi công 4 dự án với 2.874 căn. Bên cạnh đó, các đơn vị đang làm thủ tục 27 dự án có quy mô gần 40.000 căn. Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 xây dựng 35.000 căn và mục tiêu đến năm 2030 đạt 93.000 căn nhà ở xã hội, Sở Xây dựng đề xuất giải pháp đột phá là quy trình 2 bước và được UBND TPHCM chấp thuận.

8-10. 13.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Để thực hiện được, Sở Xây dựng đề xuất giải pháp đột phá là quy trình 2 bước và được UBND TPHCM chấp thuận. Theo đó, trước đây, muốn làm quy trình dự án, Sở QH-KT phải rà soát quy hoạch, sau đó Sở KH-ĐT cho ý kiến về chấp thuận chủ trương đầu tư, cuối cùng là Sở TN-MT thực hiện các bước thu hồi giao đất.

Với quy trình mới, cả 3 sở cùng làm bước này, thời gian thực hiện là 51 ngày. Sau đó, Sở Xây dựng cùng các quận, huyện thực hiện các bước còn lại với thời gian 45 ngày. Với quy trình này giúp rút ngắn được thời gian thực hiện dự án.

Liên quan phát triển các dự án nhà ở xã hội, bố trí nhà trên và ven kênh rạch, ông Trần Hoàng Quân cho biết, đầu nhiệm kỳ, rà soát toàn thành phố còn 21.000 căn nhà trên, ven kênh rạch và đưa ra mục tiêu giải tỏa 6.500 căn. Đến nay, đã thực hiện đạt được tỷ lệ 60%.

Theo chủ trương của thành phố, hiện các nơi đã khảo sát lại thì thống kê toàn thành phố có 48.100 căn nhà trên và ven kênh rạch. Để đáp ứng nhu cầu bố trí nhà ở xã hội cho chương trình này, thành phố cần khoảng 50.000 căn nhà. Sở Xây dựng đã khảo sát và đề xuất có 9 khu đất có thể xây dựng trên 20.000 căn nhà ở xã hội cho chương trình này và trong tháng 10 sẽ trình UBND TPHCM xem xét.

8-10. 9.jpg
Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàng Quân báo cáo tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Mục tiêu giảm 30-50% thời gian xử lý hồ sơ

Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, về tình hình đầu tư xã hội trong 9 tháng đầu năm 2024, TPHCM ghi nhận mức đầu tư xã hội đạt 269.000 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2023). Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tổng vốn đầu tư xã hội đạt trung bình khoảng 22% (chỉ tiêu cả nhiệm kỳ này là 35%).

8-10. 11.jpg
Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai thông tin về thực hiện đầu tư công tại TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Do vậy, để đạt chỉ tiêu trên trong nhiệm kỳ này, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM nêu một số giải pháp, trong đó, TPHCM triển khai nhiều giải pháp để thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng như đường Vành đai 3, Vành đai 4, và đường sắt đô thị. Đây là những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng giúp thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của TPHCM.

Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, và du lịch. Các chương trình này nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút thêm nguồn lực và tạo ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư. TPHCM đã đưa ra các chính sách hỗ trợ lãi suất cho các nhà đầu tư, giúp giảm chi phí tài chính, từ đó kích thích hoạt động đầu tư.

Đối với việc tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế và hạ tầng, TPHCM cùng các bộ ngành Trung ương đưa ra nhiều đề xuất để tháo gỡ các khó khăn liên quan thể chế, đặc biệt là các rào cản pháp lý ảnh hưởng đến đầu tư công và tư nhân.

TPHCM tập trung phát triển cơ sở hạ tầng các dự án lớn như đường Vành đai 3, Vành đai 4, và hệ thống đường sắt đô thị đã được đưa vào quy hoạch để cải thiện năng lực vận tải và kết nối của TPHCM.

Với sự hỗ trợ của 44 cơ chế, chính sách từ Nghị quyết 98 của Quốc hội, TPHCM đang tích cực giải quyết các vấn đề về nguồn vốn. Dự kiến, trong giai đoạn tới, tổng vốn đầu tư công sẽ tăng lên khoảng 100.000 tỷ đồng, với nhu cầu vốn đến năm 2025 ước tính khoảng 1,1 triệu tỷ đồng.

8-10. 12.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thành phố cam kết cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp và đơn vị đầu tư công. Mục tiêu là giảm 30-50% thời gian xử lý hồ sơ để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án một cách hiệu quả hơn.

TPHCM đã ký kết hợp tác với nhiều tỉnh thành và vùng kinh tế khác, nhằm đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp. Thành phố cũng đang nỗ lực phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đồng thời đã lên kế hoạch tập trung giải ngân nhanh các dự án đầu tư công, với số lượng dự án lớn và tổng vốn dự phòng cao. Các giải pháp này nhằm đảm bảo rằng các dự án sẽ được triển khai đúng tiến độ, từ đó đạt được các mục tiêu đã đề ra cho nhiệm kỳ.

Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM cho biết, thành phố đang nỗ lực thực hiện các giải pháp tổng thể để thúc đẩy đầu tư xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, và thu hút thêm nguồn lực để phát triển kinh tế thành phố bền vững.

Tin cùng chuyên mục