Đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1 mét
Mở đầu buổi tập huấn, BS Phạm Phú Khánh, Phó trưởng Khoa Sức khỏe môi trường và y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) trao đổi về thắc mắc của một số đơn vị trường học về việc học sinh có phải khai báo y tế trước khi vào căn tin hay không.
“Theo quy định hiện nay, tất cả học sinh đã khai báo y tế trước khi vào trường hoặc khai báo ở khu vực cổng trường nên không cần khai báo lại khi vào căn tin. Để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, học sinh chỉ cần giữ khoảng cách, đảm bảo đeo khẩu trang khi giao tiếp”, BS. Phạm Phú Khánh cho biết.
Ngoài ra, sau thời gian phải đóng cửa khá lâu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trường học cần rà soát lại điều kiện cơ sở vật chất của khu vực căn tin, nhà ăn bán trú, tiến hành các hoạt động nâng cấp, sửa chữa, đảm bảo môi trường thông thoáng và được vệ sinh sạch sẽ.
Khi khôi phục lại hoạt động căn tin và bán trú, các trường phải tổ chức phân luồng lối đi vào và đi ra của học sinh theo hướng một chiều, phân chia vạch đứng khi mua hàng, đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 học sinh là 1 mét, vệ sinh khử khuẩn tất cả vật dụng nhà bếp, tô, chén, muỗng, ly uống nước của học sinh, các bề mặt thường xuyên tiếp xúc như nền nhà, mặt bàn, ghế, khuyến cáo ít nhất 1 lần khử khuẩn sau mỗi ca phục vụ học sinh.
Đại diện HCDC TPHCM lưu ý, căn tin cần chủ động rà soát, bố trí khu vực rửa tay cho học sinh trước khi vào khu vực ngồi ăn. Trường hợp không thể cải tạo, xây dựng thêm bồn rửa tay thì trang bị dung dịch rửa tay nhanh và các bảng tuyên truyền nhằm nhắc nhở học sinh thói quen rửa tay trước khi ăn.
Đối với khối mầm non, trường học sử dụng dụng cụ ăn uống riêng cho từng học sinh, không dùng chung muỗng, tô, chén cho nhiều học sinh trong cùng thời điểm. Mỗi học sinh phải có ly uống nước riêng, tăng cường vệ sinh khăn lau mặt, các dụng cụ ăn uống như ly uống nước, chén, muỗng…
Riêng đối với bậc tiểu học, ngành y tế khuyến cáo học sinh đem theo bình nước cá nhân hoặc trường học trang bị ly uống nước dùng một lần cho học sinh sử dụng.
Về việc bố trí khu vực ăn bán trú, các trường có thể bố trí vách ngăn giữa hai học sinh hoặc đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 học sinh là 1 mét, hạn chế các em giao tiếp trong quá trình ăn uống (do đã tháo khẩu trang), trang bị thùng rác có nắp đậy ở mỗi bàn ăn và khẩu trang dự phòng trong trường hợp cần thiết.
Đối với khu vực ngủ bán trú, phòng ngủ phải đảm bảo thông thoáng, được vệ sinh sạch sẽ, bố trí giường ngủ giãn cách đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 học sinh là 1 mét, không tổ chức cho học sinh dùng chung đồ dùng cá nhân như gối, chăn, nệm, chiếu, vệ sinh định kỳ vật dụng cá nhân cho học sinh.
Riêng đối với hoạt động nội trú, những khu vực sinh hoạt chung như nhà ăn, nhà tắm cần hạn chế tập trung đông người, phân chia lệch giờ giữa các lớp để tránh ùn ứ học sinh vào những khung giờ cụ thể.
Tăng cường kiểm tra trong tuần đầu tiên
Theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TPHCM), các trường cần nỗ lực bình thường hóa các hoạt động trong trường học gồm căn tin, bán trú để đáp ứng nhu cầu chính đáng của phụ huynh, học sinh.
Đối với các trường THCS, THPT và trung tâm GDTX đã tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh nhưng chưa triển khai căn tin và hoạt động bán trú cần có phương án tổ chức sau Tết Nguyên đán, được Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện thẩm tra và phê duyệt, đảm bảo đáp ứng các điều kiện tổ chức.
Riêng đối với các trường mầm non, tiểu học chưa triển khai dạy học trực tiếp cho học sinh trước Tết Nguyên đán, cần chuẩn bị kỹ càng các phương án tổ chức, đảm bảo đạt tối thiểu 8/10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong trường học, tổ chức diễn tập xử lý tình huống khi phát hiện F0 để không lúng túng khi triển khai trong thực tế.
BS. Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM bày tỏ, hoạt động bán trú và căn tin được khôi phục không chỉ đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và học sinh mà qua đó còn giáo dục học sinh các hành vi có lợi cho sức khỏe về mặt lâu dài như rửa tay trước khi ăn, sử dụng riêng đồ dùng cá nhân…
Ngoài ra, BS Nguyễn Hữu Hưng khuyến nghị các trường hạn chế sử dụng máy lạnh, tăng cường thời gian cho học sinh tiếp xúc ánh nắng tự nhiên giúp các em phát triển tốt về thể chất, đảm bảo các yêu cầu về nguồn gốc thực phẩm an toàn trước khi triển khai hoạt động căn tin và bán trú.
Đặc biệt, trong những tuần đầu tiên khôi phục các hoạt động này, đại diện Sở Y tế kiến nghị ban giám hiệu các trường cử cán bộ, nhân viên y tế thường xuyên quan sát, nhắc nhở học sinh giúp các em hình thành thói quen và nề nếp sinh hoạt phù hợp.
Tại Củ Chi, Trưởng phòng GD-ĐT Trần Văn Toản thông tin, trước mắt, những trường nào đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất sẽ triển khai các hoạt động căn tin và bán trú, tiến đến khôi phục và bình thường hóa các hoạt động trong trường học.
Tại quận Gò Vấp, bà Bùi Thị Minh Nguyệt, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, địa phương đã có 5 trường THCS tổ chức bán trú cho học sinh. Đối với phương án tổ chức cho học sinh đi học trở lại ở hai bậc mầm non và tiểu học, dự kiến sẽ khôi phục hoạt động bán trú.
Riêng tại quận 7, trong 3 ngày từ 25 đến 27-1, địa phương thành lập 4 đoàn đi kiểm tra thực tế cơ sở vật chất cũng như phương án phòng chống dịch của các đơn vị trường học để kịp thời tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các trường trong việc chuẩn bị các phương án đón học sinh đi học trở lại.
Đối với quận 1, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận gửi con bán trú là 60,08% ở bậc mầm non và 69,8% ở bậc tiểu học. Địa phương tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền và vận động để nâng cao tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh, qua đó có sự phối hợp tốt hơn giữa gia đình và nhà trường trong việc chăm sóc và giáo dục học sinh.