Trên đất liền các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11. Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang có gió cấp 6-7, giật cấp 9. Trên đất liền các khu vực khác thuộc Nam Bộ và các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Trưa ngày 25-12, phóng viên báo SGGPO đã có mặt tại trụ sở UBND huyện Cần Giờ, TPHCM để ghi nhận công tác chuẩn bị ứng phó tránh bão của lực lượng chức năng và người dân ở trên địa bàn.
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Tiến Triển - Phó Chủ Tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, mọi công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất. Người dân đã được di dời đến khu vực an toàn, các phương tiện hoạt động trên biển; các điểm phục vụ du lịch cũng bị đã cấm.
Rất ít người ra ngoài trong sáng 25-12
"Các công tác liên quan đến đảm bảo hạ tầng như: giao thông, điện, nước, hoạt động sản xuất cũng đã được chỉ đạo, rà soát, cảnh báo và tổ chức thực hiện nhằm giảm thiểu thiệt hại khi bão đổ bộ... Thành phố cũng đã cấp cho huyện Cần Giờ 1 điện thoại vệ tinh để liên lạc và nhận chỉ đạo khi có sự cố. Ngoài ra, Tổng công ty điện lực TP cũng đã hỗ trợ cho huyện Cần Giờ các trạm máy phát dự phòng để sử dụng khi hệ thống điện có sự cố".
Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ Tịch UBND huyện Cần Giờ.
Ông Đặng Văn Thư, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Duyên Hải cho biết:, đơn vị đã trang bị 5 máy phát dự phòng gồm: 1 máy cho huyện, 1 máy cho UBND, 1 máy ở bệnh viện Cần Giờ, 1 máy tại đơn vị và 1 máy cho xã Thạnh An. Ngoài ra, đơn vị cũng bố trí 70 công nhân ứng chiến 24/24.
Trước đó, vào trưa ngày 24-12, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều lực lượng như: Ban chỉ huy quân sự, Công an, y tế, biên phòng và các lực lượng khác sang trực tiếp hỗ trợ dân xã Thạnh An. Đưa dân tới điểm an toàn.
>> Một số hình ảnh về công tác chuẩn bị đón bão 16 tại huyện Cần Giờ:
Neo đậu thuyền để tránh bão
Theo bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hồi 10 giờ ngày 25-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,1 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 290km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.
Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200km về phía Tây Bắc, khoảng 100km về phía Đông Nam tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 50km tính từ vùng tâm bão.
Ảnh chụp vệ tinh về cơn bão số 16 chiều ngày 25-12-2017 của Trung tâm ứng dụng Vật lý địa cầu
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu dần, tốc độ di chuyển khoảng 20km/giờ, đến 10 giờ ngày 26-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,4 độ Vĩ Bắc; 104,3 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng biển Cà Mau – Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.
Từ trưa nay (25-12), vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật cấp 12; sóng biển cao từ 6-8 mét.
Ven biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau có khả năng nước biển dâng do bão khoảng 0,5 mét, sóng biển cao 3-5 mét.
Từ sáng nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc bão số 16 kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận (bao gồm cả đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 4-6 mét. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Vị trí và đường đi của bão số 16. Ảnh: TTDBKTTVTƯ
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 26-12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,7 độ Vĩ Bắc; 101,9 độ Kinh Đông, cách Thổ Chu khoảng 150km về phía Tây Tây Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9, sóng biển cao 3-5 mét. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 80km tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.