Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện chủ đề năm 2023 của TPHCM là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”.
Hỗ trợ từ chuyện nhỏ
Tại chương trình “Cà phê cùng doanh nghiệp” của UBND quận 1, TPHCM tổ chức gần đây, ông Lê Thanh Hải, Trưởng phòng Hành chính nhân sự chuỗi Ministop (loại hình cửa hàng tiện lợi) bày tỏ rất khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng. Theo ông Lê Thanh Hải, dù hiện tại mặt bằng trên các tuyến đường của quận 1 treo biển cho thuê nhiều nhưng doanh nghiệp không dễ tiếp cận và thương lượng với chủ nhà mà thường phải liên hệ qua nhiều lần “cò”.
Tại chương trình, ông Lê Thanh Hải và nhiều doanh nghiệp có nhu cầu thuê mặt bằng đã được UBND quận 1 kết nối ngay với một số chủ nhà có mặt bằng cho thuê tại quận 1; đồng thời giải đáp nhiều băn khoăn của doanh nghiệp về thuế, bảo hiểm xã hội, giấy đăng ký kinh doanh... Ngoài ra, lãnh đạo UBND quận 1 cũng khẳng định sẽ nghiên cứu, lập, cung cấp cho doanh nghiệp danh sách các mặt bằng cho thuê.
Chương trình “Cà phê cùng doanh nghiệp” hiện đã được nhiều địa phương áp dụng. Trên nền tảng của mô hình “Cà phê cùng doanh nghiệp”, UBND TP Thủ Đức (TPHCM) đã ra mắt “Hội quán doanh nhân”.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, “Hội quán doanh nhân” hoạt động khá hiệu quả, là địa chỉ quen thuộc của chủ các doanh nghiệp trên địa bàn. Ngoài kết nối các doanh nghiệp, kết nối người lao động với doanh nghiệp, sinh hoạt vào sáng thứ bảy hàng tuần, hội quán còn kết nối các doanh nghiệp với chính quyền TP Thủ Đức để giải quyết nhiều phản ánh, kiến nghị, nhất là trong cải cách hành chính.
TP Thủ Đức cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP Thủ Đức với doanh nghiệp từng ngành, từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, triển khai khảo sát ý kiến doanh nghiệp; ra mắt chuyên mục “Hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp” và “Kết nối ngân hàng với doanh nghiệp” trong ứng dụng “TP Thủ Đức trực tuyến”, giúp doanh nghiệp kết nối với chính quyền nhanh nhất. TP Thủ Đức cũng lập tổng đài 18001722 tiếp nhận, trả lời thắc mắc của doanh nghiệp. Qua đó, đã tiếp nhận và giải quyết gần 150 ý kiến của doanh nghiệp về nhiều nội dung.
Tương tự, quận Phú Nhuận có mô hình “Phú nhuận đồng hành cùng doanh nghiệp”; quận 7 có chương trình thăm hỏi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh được tổ chức hàng tháng; hay chương trình “Giờ vàng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” được tổ chức ngày thứ bảy tuần cuối tháng của UBND quận Tân Bình... Các mô hình, cách làm trên đã kịp thời giải đáp kiến nghị, tháo gỡ một phần khó khăn cho doanh nghiệp.
Công tác xúc tiến thương mại và đầu tư của TPHCM 6 tháng đầu năm 2023:
- Đón và làm việc với 107 đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh
- Tổ chức 90 hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư
- Tổ chức 11 chương trình hội trợ, triển lãm
- Tổ chức 10 chương trình kết nối doanh nghiệp
- Tổ chức 19 hội nghị, hội thảo, diễn đàn về thị trường - ngân hàng
- Tổ chức 4 chương trình xúc tiến thương mại tại nước ngoài
- 22.463 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 207.769 tỷ đồng
Giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn
Sau ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, TPHCM đã nhận diện những khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn và đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ. Trong đó, nguồn vốn là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo quận với doanh nghiệp do quận 4, TPHCM tổ chức gần đây, một doanh nghiệp đã trình bày khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vì vướng thủ tục thế chấp bất động sản. Ngay sau đó, lãnh đạo quận 4 đã cử chuyên viên Phòng Kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp. Với sự kết nối của địa phương, một số ngân hàng đã vào cuộc cùng hỗ trợ để doanh nghiệp này có cơ hội tiếp cận được vốn vay ưu đãi.
Bà Lê Thị Diễm Huỳnh, Trưởng phòng Kinh tế quận 4, cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, quận 4 đã hỗ trợ tháo gỡ 17 ý kiến đề xuất của doanh nghiệp; kết nối hỗ trợ vốn cho 10 doanh nghiệp với số vốn vay hơn 276 tỷ đồng. Mới đây, UBND quận Tân Bình và Tân Phú kết nối 34 doanh nghiệp với 7 ngân hàng thương mại để ký kết giải ngân gần 793 tỷ đồng vốn vay.
Tương tự, sau thời gian dài phải tạm ngưng hoạt động vì dịch Covid-19, Công ty TNHH MTV Cung cấp suất ăn công nghiệp H.T (gọi tắt là Công ty H.T, có trụ sở tại TP Thủ Đức) gặp khó khăn khi tái hoạt động. Qua chương trình lãnh đạo TP Thủ Đức đối thoại với doanh nghiệp, bà N.T.V.H, Giám đốc Công ty H.T, đề đạt mong muốn được hỗ trợ thủ tục vay vốn ngân hàng để tiếp tục hoạt động kinh doanh. Từ nguyện vọng của bà N.T.V.H, UBND TP Thủ Đức đã hỗ trợ Công ty H.T các thủ tục, kết nối ngay với một ngân hàng thương mại trên địa bàn để làm thủ tục vay vốn. Gần 2 tháng chuẩn bị hồ sơ, qua thẩm định, cuối tháng 4 vừa qua, Công ty H.T đã được vay vốn 9 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi.
Đồng cảm với tâm trạng của lãnh đạo Công ty H.T và thấy vui khi doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn trước mắt, trao đổi thêm với PV Báo SGGP, lãnh đạo TP Thủ Đức cho biết cũng đã kết nối 26 ngân hàng thương mại trên địa bàn ký kết hỗ trợ 10 doanh nghiệp với tổng số tiền gần 3.000 tỷ đồng theo hình thức giảm lãi suất và tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2023, UBND TP Thủ Đức đã phối hợp các tổ chức tín dụng giải ngân gói tín dụng cho 10.790 doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 35.303 tỷ đồng.
UBND TP Thủ Đức cũng vừa tổ chức thành công diễn đàn doanh nghiệp “Mở rộng cơ hội kinh doanh Việt Nam - Indonesia để thúc đẩy ASEAN trở thành tâm điểm tăng trưởng”. Diễn đàn thu hút 150 doanh nghiệp Indonesia và TPHCM (trong đó có nhiều doanh nghiệp ở TP Thủ Đức) tham dự, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai nước.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, đến hết tháng 6-2023, gói tín dụng ưu đãi do 20 tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM đăng ký từ đầu năm theo kế hoạch của Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã giải ngân được gần 82,8%. Cụ thể, trong tổng số tiền đăng ký 453.070 tỷ đồng, đã giải ngân đạt 375.233 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi dự hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp do UBND TP Thủ Đức tổ chức |
* Đồng chí PHAN VĂN MÃI, Chủ tịch UBND TPHCM: Vận dụng linh hoạt quy định để tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp
Ngay từ đầu năm 2023, TPHCM tập trung đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Ngoài hoạt động của thành phố, các quận, huyện và TP Thủ Đức cũng chủ động có các chương trình kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để tiếp tục hoạt động và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Với cương vị Chủ tịch UBND thành phố, hàng tháng, tôi đều có buổi làm việc với Hội Doanh nghiệp thành phố, với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM và các ngân hàng thương mại có trụ sở tại TPHCM để kết nối ngân hàng với doanh nghiệp.
Với những giải pháp trên cho thấy, TPHCM đã vận dụng linh hoạt các quy định để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn. Kết quả là số doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp tái hoạt động trên địa bàn TPHCM tăng. Từ đó mang lại kết quả chung là kinh tế thành phố tăng trưởng từ 0,7% quý 1-2023 lên đến 5,87% vào cuối quý 2-2023. Ngoài ra, từ cấp quận, huyện đến cấp thành phố cũng tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thông qua các hội nghị tiếp xúc giữa lãnh đạo với doanh nghiệp. Nhiều vướng mắc của doanh nghiệp được tháo gỡ tức thì.
Thành phố cũng đang gấp rút hoàn thành đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đề án hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn… Đặc biệt, TPHCM đang nỗ lực hiện thực hóa các cơ chế, chính sách mới tại Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, qua đó sẽ có thêm chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.