Đến dự có đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM.
Tập trung công tác quy hoạch
Tại chương trình, cử tri đặt nhiều câu hỏi liên quan công tác phát triển và quy hoạch công viên cây xanh trên địa bàn TPHCM. TS Đinh Quang Diệp, giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TPHCM đặt vấn đề, hiện nay phân bổ mảng xanh không đồng đều, các quận nội thành, trung tâm có số lượng, diện tích công viên lớn hơn các quận mới hay các huyện ngoại thành dù khu vực này có quỹ đất công viên cây xanh rất lớn. Đây cũng là nghịch lý của đô thị TPHCM “phát triển đô thị tới đâu thì công viên, cây xanh phát triển tới đó”.
"Vậy trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 có cải thiện tình trạng này hay không?", ông Diệp nêu.
Trả lời câu hỏi, ông Đặng Phú Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, để đạt được chỉ tiêu cây xanh đô thị như TPHCM đề ra, thời gian qua sở đã phối hợp các địa phương rà soát quỹ đất. Qua đó, thống kê được đến nay có khoảng 11.369ha đất công viên, cây xanh. Sở đã tham mưu UBND TPHCM ban hành chương trình phát triển công viên cây xanh công cộng giai đoạn 2020-2030. Theo đó, giai đoạn 2020-2025 phát triển 150ha đất công viên cây xanh; giai đoạn 2026-2030 phát triển 450ha để hướng đến chỉ tiêu 1m2 cây xanh/người. Thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu phát triển công viên cây xanh.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT TPHCM cho biết, đồ án quy hoạch chung cũng như đồ án quy hoạch phân khu đã xác định đầy đủ các chỉ tiêu về quy hoạch công viên cây xanh công cộng. Có thể chỉ tiêu chưa được cao và phong phú nhưng đảm bảo theo chỉ tiêu. Đồng thời, phân bố công viên đều khắp các quận, huyện. TPHCM có 600 đồ án quy hoạch phân khu và công viên cây xanh phân bổ đều trên các đồ án này.
Ông Đoàn Thái Dương, cử tri phường 10, quận 10 đặt vấn đề, nhiều năm qua, dù thành phố có chủ trương tháo dỡ hàng rào, mở rộng cửa để mọi người được thoải mái dạo chơi ở các công viên. Tuy nhiên, vẫn còn diễn ra tình trạng chiếm dụng diện tích công viên cho các mục đích kinh doanh như sân khấu ca nhạc, hội chợ, xây dựng ki-ốt buôn bán, kinh doanh khiến các mảng xanh và cảnh đẹp bị thu hẹp đáng kể.
"Vậy cơ quan chức năng có kiểm tra, xử lý và chấn chỉnh tình trạng này như thế nào để vừa dung hòa các dịch vụ thiết yếu cung cấp cho người dân dạo mát ở các công viên vừa không còn cảnh không gian công cộng bị chiếm dụng sai mục đích?", ông Dương nêu.
Giải đáp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Đặng Phú Thành thông tin, hiện nay pháp luật không cấm việc hoạt động khai thác kinh doanh trong công viên công cộng. Tuy nhiên, công viên là đất do Nhà nước quản lý, việc khai thác phải đảm bảo các quy định về quản lý tài sản công cũng như phù hợp quy hoạch chi tiết tổng mặt bằng của công viên. Thời gian qua, sở đã phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu UBND TPHCM chỉ đạo các chủ sở hữu, chủ quản lý công viên thực hiện nghiêm các quy định này.
Tăng cường kiểm tra bảo dưỡng cây xanh
Trả lời cử tri về vấn đề chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh mùa mưa bão, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM cho biết, việc chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh được thực hiện thường xuyên, liên tục. Công tác cắt tỉa cành, nhánh và kiểm tra thân cây mọng gốc, nguy cơ ngã đổ được thực hiện hoàn thành trước mùa mưa bão. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, rà soát trong mùa mưa.
Về kế hoạch phát triển công viên cây xanh trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020-2025, ông Đặng Phú Thành cho biết, dự kiến đến 2025 đạt trên 100ha công viên cây xanh. Để đảm bảo kế hoạch đề ra, Sở Xây dựng phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND TPHCM đầu tư phát triển công viên cây xanh, cũng như đôn đốc chủ đầu tư các dự án có đầu tư công viên thực hiện để bàn giao cho Nhà nước quản lý.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT cho biết, sở đang trong quá trình rà soát báo cáo tổng thể UBND TPHCM về thực hiện tiêu chí phát triển công viên cây xanh đến năm 2025. Hiện, sở đang tập trung để đề xuất các phương thức quy hoạch công viên ở các khu dân cư, đáp ứng yêu cầu đời sống nhân dân. Đồng thời, có các giải pháp phát triển công viên cây xanh phù hợp từng khu dân cư thay vì tập trung thực hiện các công viên cây xanh lớn.
Điều hành chương trình, Trưởng ban Đô thị HĐND TPHCM Nguyễn Thị Thanh Vân cho biết, TPHCM đặt chỉ tiêu đến năm 2025 tăng thêm 150ha đất công viên công cộng, tăng thêm 10ha mảng xanh công cộng; trồng mới và cải tạo 30.000 cây xanh… nhằm tăng tỷ lệ phủ xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Thời gian tới, Thường trực HĐND TPHCM đề nghị UBND thành phố chỉ đạo tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, để tổ chức thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ, kế hoạch trồng 10 triệu cây xanh của thành phố giai đoạn 2021-2025.
Đề nghị Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển công viên, cây xanh công cộng; Sở QH-KT khẩn trương nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chuẩn, cơ cấu sử dụng đất đối với các loại hình công viên công cộng trên địa bàn thành phố; hướng dẫn lập, lập và phê duyệt phương án sử dụng tổng mặt bằng và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với từng công viên công cộng hiện hữu.
Đồng thời đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện rà soát các khu đất có nguồn gốc là đất công được quy hoạch đất cây xanh nhưng đang sử dụng vào mục đích khác để đầu tư xây dựng công viên công cộng. Bên cạnh đó, đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư các dự án phát triển khu dân cư trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng hoàn thành hệ thống công viên, cây xanh theo quy hoạch được duyệt và bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.
Đề nghị Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố xác lập ranh mốc và triển khai số hóa thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quản lý đối với các công viên công cộng trên địa bàn được giao quản lý. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, chăm sóc và có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo an toàn hệ thống cây xanh được giao quản lý, đẩy mạnh trồng và cải tạo cây xanh tại các khu vực công cộng trên địa bàn.