Đây là những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thiết kế sáng tạo, có tính ưu việt, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, thân thiện môi trường, đáp ứng được nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, có khả năng thay thế, cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.
Động lực để DN nỗ lực hơn
Theo Sở Công thương TPHCM, chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu năm 2018 của thành phố được phát động từ tháng 5-2018 đến tháng 8-2018. Trải qua các giai đoạn đánh giá, xét duyệt đã có 56 sản phẩm của 36 DN đạt các tiêu chí của chương trình bình chọn. Trong đó, ngành cơ khí - điện có 21 sản phẩm; ngành cao su - nhựa có 12 sản phẩm; ngành điện tử - công nghệ thông tin 1 sản phẩm; ngành chế biến lương thực - thực phẩm 12 sản phẩm; ngành dệt may 6 sản phẩm, da giày 4 sản phẩm. Một số ý kiến của DN đạt chứng nhận cho biết, việc đạt được giải thưởng này chính là sự ghi nhận và minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của các DN, giúp DN nâng tầm thương hiệu và nâng cao hơn sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Đồng thời, đây cũng là động lực để các DN nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Tân Quang Minh (Bidrico - đơn vị có sản phẩm nước chanh muối Restore được chọn làm sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố), chia sẻ một sản phẩm được TPHCM chọn là chủ lực về công nghiệp, nông nghiệp sẽ là lợi thế rất lớn cho DN. Vì sẽ khẳng định thế mạnh của sản phẩm trên thị trường và các DN có thể tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ lãi suất thấp, hỗ trợ trong các chương trình quảng bá, xúc tiến. Hiệu ứng từ những DN được chọn ban đầu sẽ lan tỏa đến các doanh nghiệp khác, khuyến khích họ sản xuất sản phẩm tốt hơn, chất lượng hơn để cạnh tranh, phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cũng cho biết việc công bố sản phẩm công nghiệp tiêu biểu nhằm tôn vinh những sản phẩm, nhóm sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ có chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển công nghiệp cũng như sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TPHCM. Từ đó xây dựng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển các sản phẩm tiêu biểu được bình chọn; từng bước xây dựng, hình thành danh mục các sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của thành phố; làm cơ sở cho các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ.
Ngoài ra, việc công bố các sản phẩm công nghiệp tiêu biểu còn góp phần tạo động lực khuyến khích DN tích cực đổi mới, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh. Các sản phẩm này không chỉ được UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của thành phố năm 2018” mà thành phố cũng sẽ có những chính sách hỗ trợ cho các DN này đẩy mạnh sản xuất và nâng cao năng lực sản xuất, hỗ trợ các hoạt động tiếp thị, xúc tiến xuất khẩu. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của DN trên các phương tiện truyền thông.
Tiếp tục đồng hành
Trong thời gian qua, ngành công nghiệp thành phố đã có sự tăng trưởng cao, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của TPHCM phát triển nhanh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2018 của thành phố ước tăng 8,15% so với năm 2017. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến ước tăng 8,37% và 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 9,25%. Có được kết quả như trên là do môi trường sản xuất kinh doanh của DN tương đối thuận lợi.
Cụ thể như công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, các vướng mắc về thủ tục hành chính thuộc nhiều lĩnh vực được DN phản ánh và Sở Công thương tổng hợp, tham mưu UBND TPHCM chỉ đạo các ngành chức năng giải quyết kịp thời; cơ chế đối thoại giữa DN và chính quyền địa phương được thực hiện thường xuyên thông qua các kênh đối thoại trực tuyến và tiếp xúc trực tiếp tại cơ sở của DN hoặc thông qua các hội nghị. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường trong và ngoài nước được thực hiện thường xuyên trong năm, hỗ trợ các DN khai thác thị trường nội địa, đặc biệt là tại các tỉnh, thành có ký kết hợp tác thương mại với TPHCM.
Để ngành công nghiệp của TPHCM duy trì đà tăng trưởng, trong năm 2019, UBND TPHCM và các sở ngành sẽ tiếp tục tập trung vào các giải pháp trọng tâm, trọng điểm như tiếp tục kết nối DN với các tổ chức tín dụng, xây dựng dữ liệu nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực để kết nối với sản xuất và tiêu thụ, tổ chức các hội chợ triển lãm và xây dựng chương trình bình ổn thị trường gắn với DN.
Đồng thời, Sở Công thương cũng đang tham mưu UBND TPHCM triển khai một số giải pháp như hỗ trợ DN đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ, hoàn thành việc xây dựng và triển khai Đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố đến năm 2020; trong đó tập trung xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút và hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm giảm nhập khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm gia công, lắp ráp.
Ngoài ra, theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (Sở Công thương TPHCM), để hỗ trợ các DN, trung tâm sẽ đẩy mạnh việc kết nối DN công nghiệp hỗ trợ thành phố với các DN FDI theo chương trình “Phát triển nhà cung cấp đầu tiên”. Chương trình gồm các hội nghị kết nối giao thương giữa hàng trăm DN thành phố với các DN đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... Qua đó, DN FDI sẽ chọn ra các nhà cung ứng tiềm năng của TPHCM để tiến hành khảo sát và hướng tới hợp tác.