Đây được xem là một trong những biện pháp nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục của hoạt động này tại các đơn vị trường học.
Bà Thu cho biết, hoạt động giáo dục kỹ năng sống hiện nay mới được tổ chức tốt ở hai khối mầm non và tiểu học. Trong khi đó, ở bậc THCS và THPT, nội dung này ít được các trường quan tâm dù đây là lứa tuổi các em chịu rất nhiều ảnh hưởng từ các tác động của môi trường sống.
Từ thực tế đó, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT yêu cầu tất cả các đơn vị trường học trong năm học 2018-2019 phải đưa giáo dục kỹ năng sống vào một trong những hoạt động bắt buộc của buổi học thứ 2 (đối với các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày), đồng thời đưa vào kế hoạch hoạt động của đơn vị để Sở GD-ĐT phê duyệt vào mỗi đầu năm học. Khi thực hiện ký kết với các đơn vị đào tạo, trường học cần quan tâm và đảm bảo ba yếu tố gồm tính pháp lý của đơn vị hợp tác (được cấp phép hay chưa), đội ngũ giáo viên và chất lượng chương trình đào tạo.
Hoạt động giáo dục kỹ năng sống là một trong những hoạt động bắt buộc tại các trường dạy học 2 buổi/ngày
Về vấn đề thu phí cho hoạt động này, lãnh đạo Sở GD-ĐT nhấn mạnh phải có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. Tất cả khoản thu, chi phải được thực hiện công khai, minh bạch trong hội đồng sư phạm, có chính sách hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn để tất cả học sinh đều được tiếp cận hoạt động giáo dục kỹ năng sống.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2018-2019, hoạt động giáo dục kỹ năng sống tại các trường học trên địa bàn TP sẽ tập trung 5 nhóm kỹ năng cơ bản gồm: Kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng thoát hiểm thoát nạn, kỹ năng đối diện và ứng phó khó khăn trong cuộc sống, kỹ năng điều chỉnh và quản lý cảm xúc, kỹ năng tự nhận thức và đánh giá bản thân. Trong đó, hình thức tổ chức sẽ theo hướng tăng cường vận động, tăng sự tương tác của học sinh.