Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, để tham gia đấu thầu, nhà đầu tư phải đáp ứng 4 tiêu chí xét chọn năng lực: Khả năng tiếp nhận rác (phải đạt mức 1.000 tấn/ngày, có tính thêm khả năng mở rộng công suất xử lý, linh hoạt tiếp nhận, vận hành, xử lý chất thải bao gồm đã phân loại và không qua phân loại); đơn giá xử lý phù hợp (xem xét trên cơ sở công nghệ và giá bán điện để xác định mức tiêu chí xử lý phù hợp); diện tích đất không vượt quá 10ha/1.000 tấn rác; hiệu suất tái tạo năng lượng (rác chưa phân loại: 15kW - 20kW/tấn, rác đã phân loại: trên 20kW/tấn).
Về 6 bước triển khai quy trình thực hiện đấu thầu, UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trình duyệt danh mục dự án sử dụng đất và công bố dự án. Bộ phận thẩm định của 2 sở nói trên thực hiện sơ tuyển dự án tham gia, trình UBND TP kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư.
Cuối cùng là thực hiện đấu thầu công khai và đàm phán ký kết hợp đồng với doanh nghiệp được chọn xử lý chất thải rắn. Thời hạn để lựa chọn nhà đầu tư xử lý chất thải không được quá 18 tháng, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ tham dự thầu của doanh nghiệp.
Được biết, từ nay đến hết tháng 12-2018, các đơn vị liên quan phải hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ tiên tiến đốt phát điện theo hình thức xã hội hóa.
Trong đó, tập trung thực hiện 2 dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt có kết hợp xử lý chất thải rắn công nghiệp và nguy hại, với công suất 1.000 tấn/ngày/dự án.
TPHCM phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh giảm tối đa là 50% và giảm còn 20% vào năm 2025.