Phụ nữ ngày càng “lười” sinh
Dù con trai đã 8 tuổi nhưng chị Lê Kim Hoa (ngụ huyện Nhà Bè) vẫn không có ý định sinh con thứ 2. “Vợ chồng mình đều là công nhân, thu nhập chỉ ở mức 15 triệu đồng/tháng, nuôi một đứa trẻ ở TPHCM phải tốn rất nhiều chi phí, nhỏ thì tã, sữa, chích ngừa, lớn thì đi học chính, học thêm, học ngoại khóa, chưa kể là cần người trông giữ, đưa đón. Nếu sinh nữa, mình sợ nuôi không nổi”, chị Hoa lý giải việc không có ý định sinh thêm con. Còn chị Phạm Thu Trang (ngụ TP Thủ Đức) quyết định không sinh thêm con bởi không có thời gian chăm sóc, đưa đón con đi học. Theo chị Trang, cả hai vợ chồng đều làm cho công ty nước ngoài, công việc bận rộn, đi công tác thường xuyên, việc chăm sóc con cái, nhà cửa hầu như đều giao phó cho bà ngoại và người giúp việc. Dù hai bên gia đình nội ngoại nhiều lần thúc giục nhưng vợ chồng chị Trang vẫn lựa chọn chỉ sinh 1 con. Chị Trang bày tỏ: “Mình lựa chọn sinh 1 con bởi không có nhiều thời gian dành cho con. 1 hay 2 con theo mình không quan trọng, quan trọng là phải chăm lo, nuôi dạy con thật tốt”.
Áp lực kinh tế, công việc bận rộn… là những lý do khiến không ít phụ nữ tại TPHCM ngại sinh con thứ 2. Theo số liệu của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, từ năm 2000 đến nay, tỷ suất sinh của thành phố liên tục giảm. Nếu như năm 2000, tỷ suất sinh là 1,76 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thì đến năm 2022, con số này chỉ còn 1,39. Một trong những nguyên nhân chính là kết hôn muộn trở thành xu thế của người trẻ hiện đại, khiến cho tỷ lệ sinh đẻ giảm. Cùng với đó, việc nuôi dạy và chăm sóc con cái hiện nay đòi hỏi rất nhiều chi phí, dẫn đến tâm lý sinh con ít để con được sống trong môi trường đầy đủ về vật chất và tinh thần nhất. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa gây khó khăn trong việc tìm việc làm, nhà ở, sinh hoạt..., trong khi chi phí nuôi dạy một đứa trẻ đến khi trưởng thành rất cao khiến nhiều cặp vợ chồng ngại sinh thêm con.
Xu hướng phụ nữ sinh đẻ ít khiến cho nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai trở nên hiện hữu. Căn cứ theo các mô hình nhân khẩu học, mức sinh thấp sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số, tỷ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng. Điều này càng làm gia tăng tốc độ già hóa dân số tại TPHCM. Thực tế, thành phố đang bước sang giai đoạn già hóa dân số với chỉ số là 49,4%, cao hơn so với cả nước (48,8%), trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa bắt kịp với tốc độ già hóa dân số. Mặt khác, về mặt xã hội, hiện nhiều gia đình lựa chọn chỉ sinh 1 con theo công thức 4-2-1, nghĩa là 4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ sẽ chăm sóc một đứa trẻ thì trong tương lai, đứa trẻ sẽ phải cùng lúc chăm sóc 2 bố mẹ và 4 ông bà nội ngoại theo chiều hướng đảo ngược 1-2-4.
Tăng mức sinh - bài toán khó?
Trong Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030, UBND TPHCM đặt mục tiêu: nâng tổng tỷ suất sinh đạt 1,4 con/phụ nữ vào năm 2025, hướng tới năm 2030 là 1,6 con/phụ nữ. Quy mô dân số thành phố khoảng 10,6 triệu người vào năm 2025 và 12 triệu người vào năm 2030. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên phấn đấu trên 1,1% vào năm 2025, trên 1,3% vào năm 2030. Theo ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, thực hiện được mục tiêu này là điều không dễ dàng, cần sự chung tay tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị; trong đó quan trọng là có những chính sách để người dân yên tâm hơn khi quyết định sinh và nuôi con. Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, lo ngại, nếu thành phố không có chính sách thay đổi và không khuyến khích sinh thì rất khó tăng tỷ suất sinh.
PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, đại biểu HĐND TPHCM, tâm sự, cũng giống như nhiều phụ nữ khác, bà từng đặt ra nhiều câu hỏi khi quyết định sinh con, như: mình có đủ sức chăm lo cho con hay không, sinh con xong ai sẽ giữ con cho mình, liệu con mình có được chăm lo đầy đủ khi mình quá bận rộn với công việc hay không?... Vì thế, để phụ nữ hiện đại không ngại sinh đẻ, theo bà, cần có các chính sách trong việc hỗ trợ sinh và nuôi con.
TS-BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM, cho rằng, 20-30 năm sau, dân số Việt Nam sẽ giống các nước Nhật Bản, Hàn Quốc hiện nay với cơ cấu dân số già, thiếu hụt lực lượng lao động nghiêm trọng. Do vậy, trong giai đoạn này, Việt Nam cần đẩy mạnh khuyến khích sinh, để các cặp vợ chồng tự quyết định số con của mình. Để đẩy mạnh tỷ suất sinh, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM đề xuất miễn, giảm toàn bộ viện phí sinh con lần thứ hai đối với các trường hợp có hộ khẩu TPHCM; đồng thời ưu tiên hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội, thuê nhà đối với các cặp vợ chồng đã sinh đủ 2 con có hộ khẩu thành phố. Ngoài ra, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM đề xuất miễn, giảm chi phí học cho trẻ dưới 10 tuổi (ngoài hỗ trợ về định mức học phí của thành phố, đề xuất bổ sung phần chi phí bán trú, ăn trưa cho học sinh), triển khai chương trình sữa học đường...
Theo TS-BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM, cần mạnh dạn bỏ chính sách sinh đẻ có kế hoạch, thay đổi khẩu hiệu từ “mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con” thành “mỗi cặp vợ chồng tự quyết định số con của mình”. Cụ thể, từ chỗ cấm sinh 3 con sang khuyến khích sinh con thứ 3 trở lên nếu đủ điều kiện nuôi dưỡng.